Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 chiếm 86%, human Adenovirus 54 chiếm 11% và human Adenovirus 37 chiếm 3%. Đây là những tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP Hồ Chí Minh.
Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54 cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.
Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017 - 2019, thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37).
Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis - AHC), là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại TP Hồ Chí Minh. Các báo cáo khoa học trên thế giới cũng chỉ rõ, tác nhân chính là nhóm enterovirus, trong đó bao gồm biến thể Coxsackie A24 và EV70.
Được biết, trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác.
Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm kết mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.
Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân của đợt bùng phát bệnh viêm kết mạc mắt hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đã rõ, một lần nữa các chuyên gia Mắt khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.