Thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn, nông dân Sóc Trăng cùng nhau giảm nghèo bền vững

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong 3 phong trào trọng tâm do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989.

Qua 33 năm, phong trào đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, nhiều hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá, giàu, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân.

Chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn

Chú thích ảnh
Nuôi trồng và thu hoạch tôm nước lợ tại trang trai công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn tỉnh, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; xuất hiện nhiều mô hình nông dân áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Thông qua Phong trào, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Đặng Tấn Giang khẳng định về chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng lên, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 450 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, thu hút hàng chục ngàn lao động nông thôn có việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ổn định xã hội, tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội Nông dân.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, áp dụng công nghệ 4.0 và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với thị trường và các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, nông dân liên kết để tham gia thực hiện Cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).  Điển hình như cánh đồng mẫu lớn trồng lúa đặc sản Sóc Trăng ở thị xã Ngã Năm; huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên; vùng nuôi tôm tập trung ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung... góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng.

Ông Đặng Tấn Giang khẳng định, so với giai đoạn 2017 – 2019, số hộ có mức thu nhập trên 450 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 4,5 lần. Nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hộ ông Trần Minh Thuận, phường 5, thành phố Sóc Trăng với mô hình chanh không hạt, lúa, máy nông nghiệp mang lại thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương; hộ ông Tăng Văn Xúa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu với mô hình nuôi tôm công nghiệp, mang lại thu nhập trên 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; hộ bà Thạch Thị Hơ, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành với mô hình lúa, vườn, kinh doanh vật tư nông nghiệp mang lại thu nhập 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động; hộ ông Võ Văn Dứt, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách với mô hình VAC mang lại thu nhập 2,2 tỷ đồng; hộ ông Trần Quang Cần, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung với mô hình nuôi tôm, kinh doanh du lịch cho thu nhập 3,3 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương; hộ ông Đặng Văn Nám ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách với mô hình bưởi da xanh có thu nhập trên 4,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động...

Phong trào nông dân sản xuất giỏi đã chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Một số nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Hợp tác xã sản suất nông nghiệp, ấp Trà Do Xã  Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành); mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ở Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ấp Long Thành, xã Tân Long, sản xuất lúa hữu cơ có liên kết đầu ra với công ty Việt Mỹ và Công ty Vĩnh Thành Đạt tiêu thụ trứng vịt đồng (thị xã Ngã Năm)…

Tạo thương hiệu sản phẩm và phát triển kinh tế tập thể

Để phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau thoát nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Nông dân và phong trào nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường các hoạt động hợp tác với các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức và địa phương để tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến, công tác dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội Nông dân chỉ đạo phong trào và nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, điều hành các trang trại, gia trại của các hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... tạo điều kiện cho phong trào phát triển.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Đặng Tấn Giang, Hội tiếp tục hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp, gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, Hội còn thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường; tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ngoài ra, Hội đã kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ Hội và hội viên nông dân về ứng dụng những tiến bộ cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, tham gia các mô hình kinh tế tập thể có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu, học tập trong và ngoài nước; tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân Sóc Trăng từ các chương trình dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, dự án vận động viện trợ nước ngoài nhằm giúp cho nông dân tăng thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho nông dân.

Nhật Bình (TTXVN)
Cây chè bám rễ ở Lai Châu, giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo
Cây chè bám rễ ở Lai Châu, giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo

Nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chè. Sau nhiều năm bén rễ trên mảnh đất Lai Châu, cây chè đã từng bước khẳng định vị thế và trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN