Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước những biến chuyển nhanh chóng của thị trường lao động, việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tái cơ cấu các ngành kinh tế, trong đó có công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có những đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo.
Còn khó khăn, bất cập
Lãnh đạo UBND tỉnh Long An khẳng định, kết quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa tỷ lệ lao động chung của toàn tỉnh qua đào tạo hiện đạt khoảng 70%. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kết quả đến thời điểm này đã có 77/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,3% tổng số xã toàn tỉnh.
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh cũng còn gặp khó khăn. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết: Ngay ở khâu khảo sát nhu cầu học nghề, có địa phương ở thời điểm khảo sát số người có nhu cầu đăng ký học nghề nhiều, tuy nhiên đến khi tổ chức đào tạo, số người đăng ký học nghề lại giảm dẫn đến việc tổ chức lớp, mời giảng viên, nghệ nhân hướng dẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân của thực trạng này là do công tác tư vấn của cán bộ chuyên môn ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến người lao động chưa nhận thức rõ để đăng ký học nghề. Một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình nên chưa tích cực tham gia học nghề.
Ngoài ra, lực lượng giáo viên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn thiếu về số lượng, việc mở nghề mới để đáp ứng nhu cầu người học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tổ chức lớp học. Các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp rất đa dạng nhưng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được, thiếu về số lượng và chuyên môn. Những nghề đặc thù như trồng hoa mai, nuôi rắn, dịch vụ thẩm mỹ… có lao động đăng ký học nhưng cơ quan chức năng lại chưa đáp ứng được do chưa đảm bảo được chất lượng của giáo viên chuyên về lĩnh vực đó.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn", Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 12/6/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt phương châm "không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề"; tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề; đào tạo nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh, tỉnh sẽ tổ chức rà soát danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. Ở cấp cơ sở, sự phối hợp giữa Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và UBND xã được tăng cường trong việc tư vấn, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, rà soát điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo đúng theo quy định, sát thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp hơn. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành nghề sẽ chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm về an toàn lao động, kiến thức kinh doanh và khởi nghiệp doanh nghiệp cho lao động nông thôn để đảm bảo hiệu quả của việc dạy, học nghề.
Tỉnh Long An kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thành lập thêm các Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau giúp nhà giáo, người tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn có điều kiện đăng ký tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để đạt chuẩn theo quy định.
Vĩnh Hưng là một huyện biên giới của tỉnh Long An (giáp với nước bạn Campuchia). Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết, huyện có nhiều lao động sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế ở địa phương vẫn chủ yếu là nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động ở địa phương, huyện đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn năm 2020 - 2025 tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để mở cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng công tác dạy nghề gắn với quá trình chuyển dịch kinh tế, tìm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Huyện phấn đấu trong giai đoạn này mỗi xã sẽ có ít nhất hai Hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả cao, 100% diện tích sản xuất của các hợp tác xã duy trì sản xuất ứng dụng công nghệ cao và phát huy tốt mối liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo thuận lợi cho lao động nông thôn trên địa bàn có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng được cải thiện.
Bài 3: Chú trọng giải pháp xuất khẩu