Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ đội ngũ giáo viên; đổi mới thiết bị phục vụ giảng dạy. Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận hiện nay đã có 5 nghề được chọn đào tạo trọng điểm mang tầm quốc gia và khu vực gồm: Điện công nghiệp; điện tử công nghiệp và kỹ thuật xây dựng; công nghệ ô tô; quản trị khách sạn.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận Nguyễn Phan Anh Quốc cho biết, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thông qua dự án “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ nhà trường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu giảng dạy – thực hành. Đồng thời, nhà trường chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng học viên, sát với các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận xác định liên kết đào tạo nghề với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp là định hướng chiến lược trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Trường đang có quan hệ ổn định với trên 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên thực tập nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 80%, mức thu nhập bình quân đạt từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Hiện trường đào tạo gần 40 ngành nghề từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng với quy mô đào tạo 1.500 sinh viên/năm.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, thông qua thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được chuyển đổi theo nhu cầu của thị trường lao động, đa dạng hóa ngành nghề, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động. Kết quả, năm 2019, số lao động có việc làm sau học nghề đạt 79,79%, riêng lao động nông thôn có việc làm đạt trên 83%.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, ngoài trường cao đẳng nghề và các trung tâm dạy nghề được đầu tư, trang bị những loại máy thực hành khá tốt, còn phần đông các cơ sở đào tạo có trang thiết bị phục vụ việc học tập và thực hành vừa thiếu lại vừa lạc hậu. Bên cạnh đó, nhận thức của người học đối với việc học nghề chưa cao, tư tưởng trọng bằng cấp của xã hội, phụ huynh và học sinh còn lớn, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nên công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn...
Để tháo gỡ những khó khăn này, các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, tạo ý thức cho người lao động. Đồng thời,các cơ sở đào tạo nghề và chính quyền địa phương cần có sự linh hoạt, tiếp tục đổi mới của trong việc lựa chọn ngành nghề, kết nối với doanh nghiệp, xây dựng hình thức và thời gian đào tạo để tạo động lực cho các nhóm đối tượng tích cực tham gia học nghề.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 45.000 lao động, trong đó đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp 6.500 người; đào tạo nghề ngắn hạn 38.500 người (lao động nông thôn 13.000 người). Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, số lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 33% lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ.
Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tham gia vào 6 nhóm ngành phát triển kinh tế trụ cột gồm: Năng lượng tái tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản, nông - lâm - thủy sản, du lịch, công nghiệp, giáo dục và đào tạo. Tỉnh xây dựng danh mục đào tạo nghề gồm 110 nghề nông nghiệp, 9 nghề phi nông nghiệp, 24 nghề thương mại dịch vụ, 14 nghề tiểu thủ công nghiệp, 35 nghề đặc thù trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, những khởi sắc trong thu hút đầu tư của Ninh Thuận thời gian gần đây đang hứa hẹn tạo ra nhu cầu sử dụng nguồn lao động lớn như du lịch, năng lượng tái tạo, thương mại và dịch vụ. Đây là cơ hội, cũng là bài toán đặt ra cho hoạt động đào tạo nghề của tỉnh. Do đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý nhà nước để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội hóa đào tạo nghề, gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, chú trọng đào tạo lực lượng lao động trẻ có chuyên môn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động giới thiệu việc làm, khảo sát, cập nhật thông tin về thị trường lao động; điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, quy hoạch phát triển sản xuất của các địa phương để từ đó đưa ra các giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế.
Ninh Thuận hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 17 nghề ở trình độ cao đẳng, 10 nghề trình độ trung cấp và 187 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực khoảng 8.500 người/năm. Trong giai đoạn từ 2010 - 2019, tỉnh đào tạo nghề cho gần 90.000 người, trong đó đào tạo nghề dài hạn bậc cao đẳng, trung cấp trên 10.000 người, đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 79.000 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên 32.600 người với tổng kinh phí dành cho các chương trình đào tạo nghề trên 55,4 tỷ đồng.