Đào tạo nghề ở Long An - Bài 1: Gắn với địa chỉ sử dụng lao động

Tỉnh Long An đặc biệt chú ý việc tổ chức đào tạo trên cơ sở nhu cầu học nghề của người lao động, định hướng phát triển ngành nghề ở địa phương và thậm chí là "đặt hàng" cụ thể của từng cơ sở sử dụng lao động.

Chú thích ảnh
Anh Lê Phát Hậu, chủ cơ sở Đan giỏ nhựa Phát Hậu (ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) hướng dẫn học viên cách đan giỏ. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vị trí cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Long An là địa phương có nguồn lao động khá dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Vì vậy, đối với công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, tỉnh xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó coi trọng việc truyền nghề và tạo việc làm ngay tại địa phương hoặc đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các giải pháp này đã góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Long An, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững cho lao động sau học nghề, tỉnh Long An đặc biệt chú ý việc tổ chức đào tạo trên cơ sở nhu cầu học nghề của người lao động, định hướng phát triển ngành nghề ở địa phương và thậm chí là "đặt hàng" cụ thể của từng cơ sở sử dụng lao động.

Chỉ đào tạo khi dự báo được nơi làm việc

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, với đặc điểm của tỉnh miền Tây Nam Bộ thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và lại nằm liền kề Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có thị trường lao động hết sức sôi động, những năm gần đây, Long An đã tổ chức khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề cho người lao động đối với 100% hộ sinh sống ở khu vực nông thôn. Kết quả khảo sát nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động là cơ sở để từng địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề được chất lượng, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết: Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề cơ bản như: nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn; nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; năng lực đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; địa chỉ mà người lao động sau đào tạo sẽ vào làm việc như hợp tác xã, tổ hợp tác, các khâu của chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ các giá trị sản phẩm...

Cũng từ kết quả khảo sát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, trình UBND tỉnh quyết định ban hành danh mục nghề, mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tổ chức thực hiện. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh quán triệt đảm bảo nguyên tắc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, không chạy theo số lượng; không tổ chức đào tạo khi người lao động không dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của người lao động sau học nghề.

Với cách làm này, từ năm 2010 đến nay, Long An đã có gần 57.700 lao động nông thôn được hỗ trợ học các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, gần 50.000 người (đạt gần 87%) đã có việc làm dưới các hình thức như: doanh nghiệp tuyển dụng; tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm do người lao động sản xuất; người lao động tự tạo việc làm bằng các hình thức chăn nuôi, trồng trọt áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho năng suất cao.

Từ thực tế ở một địa phương có nhu cầu về lao động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo phương thức thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap), ông Đặng Thanh Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc chia sẻ, xã có trên 12.670 nhân khẩu, trong đó khoảng 67% trong độ tuổi lao động. Hàng năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phân công các bộ phận chức năng, tổ chức khảo sát và lên kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Từ nhu cầu ở các hợp tác xã, tổ hợp tác, xu hướng của thị trường lao động, xã đề xuất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp canh tác cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật nấu ăn, làm hoa cảnh. Nhờ tổ chức hiệu quả các lớp học nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động, sau các lớp học nghề, trên 80% số học viên đã tìm được việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn hẳn so với trước khi được học nghề. Hiệu quả của các lớp đào tạo nghề đã tạo đà để xã Phước Hậu phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cung ứng nông sản sạch cho thị trường Long An và các địa phương lân cận. Hiện xã có 5 hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, một hợp tác xã chăn nuôi và nhiều tổ hợp tác liên kết sản xuất hiệu quả. Đầu năm 2020, Phước Hậu đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 62 triệu đồng/người/ năm.

Nhiều mô hình hiệu quả

Khảo sát nhu cầu học nghề và yêu cầu của thị trường lao động, dự báo những nghề thị trường cần trong tương lai gần để tổ chức đào tạo, tỉnh Long An đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả sau các lớp học nghề.

Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Phước Thịnh ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc do anh Đặng Duy Dũng làm Giám đốc là một trong những điển hình cho thấy hiệu quả từ việc học nghề sau đó xây dựng mô hình hình phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Hiện nay, Hợp tác xã rau an toàn Phước Thịnh có khoảng 220 thành viên. Mỗi ngày, các thành viên của hợp tác bán ra thị trường 8 tấn rau các loại. Thu nhập của các hộ là thành viên hợp tác xã một tháng lên đến hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, ít người biết rằng trước đây Giám đốc hợp tác xã Đặng Duy Dũng vốn là một người thợ cắt tóc ở địa phương, thu nhập rất bấp bênh. Nhận thấy tiềm năng phát triển nghề trồng rau an toàn ở địa phương, đại diện Hội Nông dân xã Phước Hậu đã động viên anh Dũng theo học lớp hướng dẫn trồng rau an toàn theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn mở tại địa phương. Sau lớp học nghề, anh Dũng đã có nhiều kiến thức về canh tác rau theo quy trình VietGap, cách sơ chế và đóng gói rau theo yêu cầu của hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Anh đã thành lập Hợp tác sản xuất rau an toàn Phước Thịnh với sự tham gia của ngày càng nhiều thành viên là bà con tại địa phương.

Một ví dụ khác, mô hình trực tiếp tham gia truyền nghề, dạy nghề phi nông nghiệp sau đó tạo việc cho lao động ngay tại cơ sở đan giỏ nhựa của anh Lê Phát Hậu ở huyện Cần Đước cũng cho thấy hiệu quả của việc tổ chức dạy nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động.

Anh Lê Phước Hậu - chủ cơ sở đan giỏ Phát Hậu (ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) cho biết: Cơ sở sản xuất giỏ nhựa của anh có từ 25 năm nay. Song trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu về việc làm của người dân và nhu cầu tuyển lao động của chính cơ sở sản xuất, anh Hậu đã tích cực tham gia hướng dẫn học viên các lớp học nghề đan giỏ nhựa ở huyện Cần Đước và cả một số huyện khác trong tỉnh Long An. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, anh Hậu tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 100 lao động. Anh trực tiếp hướng dẫn học viên từ khâu cắt sợi, lên khung, đan và hoàn thiện giỏ nhựa các loại. Sau khi lớp học kết thúc, anh Hậu tạo việc làm cho người lao động ngay tại cơ sở.

Anh Hậu chia sẻ: "Tham gia dạy nghề, không phải là mình dạy rồi là xong mà mình dạy và sau đó tạo việc làm cho họ luôn ở cơ sở, nghĩa là lợi cả đôi bên, cơ sở có nhân công còn người lao động có việc làm". Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Hậu bán ra thị trường Lào, Campuchia và trong nước khoảng 25.000 sản phẩm giỏ nhựa các loại. Mỗi lao động tại cơ sở đan giỏ có thu nhập từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/ngày.

Bài 2: Nâng cao hiệu quả trong giai đoạn mới 

Trà Hưng - Bình Hạnh (TTXVN)
Đón đầu chuyển giao công nghệ giáo dục dạy nghề từ nước ngoài
Đón đầu chuyển giao công nghệ giáo dục dạy nghề từ nước ngoài

Chương trình chuyển giao công nghệ giáo dục từ Australia, Đức – những nước hàng đầu thế giới về dạy nghề, đang được một số trường triển khai thí điểm, hướng tới sự thay đổi mô hình đào tạo, gắn dạy nghề với doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN