Vành đai 3 qua địa phận thành phố Thủ Đức (cũ) dài hơn 14km đi trên cao.
Thông tin trên nằm trong báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng đợt cao điểm thi đua "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), tuyến đường Vành đai 3, đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 47 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 41.387 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm gần 19.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6/2023.
Thi công đoạn Vành đai 3 đi trên cao qua địa phận thành phố Thủ Đức (cũ).
Đến nay, 10/14 gói thầu xây lắp chính đã được triển khai, khối lượng đạt khoảng 41%. Bốn gói còn lại đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế để trình Sở Xây dựng thẩm định. Tổng giá trị giải ngân đến tháng 6/2025 đạt hơn 7.848 tỉ đồng.
Về vật liệu xây dựng, 13/13 mỏ cát phục vụ dự án đã được cấp phép tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Các nhà thầu cũng được chỉ đạo chủ động bổ sung thêm nguồn cát thương mại trong nước và nhập khẩu từ Campuchia nhằm đảm bảo tiến độ.
Đoạn Vành đai 3 đi trên cao qua đường Nguyễn Xiển.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt gần 100%. Công tác tái định cư cũng đạt nhiều kết quả và đang tiếp tục được triển khai tại các huyện còn lại.
Để bù lại tiến độ đã chậm, các nhà thầu được yêu cầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp; đồng thời áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật như tăng mật độ bấc thấm, gia tải bằng chân không hoặc CDM để xử lý đất yếu nhanh hơn.
Dự kiến đến ngày 31/12/2025, dự án sẽ thông xe kỹ thuật 14,7 km cầu cạn và 32,6 km cao tốc tại huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Đến ngày 30/6/2026, toàn bộ đoạn Vành đai 3 đi qua TP Hồ Chí Minh (dài 47,5 km) sẽ chính thức thông xe.