Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn mặn mùa khô 2024-2025 và đảm bảo phù hợp với thông tin dự báo, tình hình thực tế để chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Các sở, ban, ngành và địa phương tuyên truyền, phát động, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt; tham gia quản lý và bảo vệ nguồn nước; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn và nhu cầu sử dụng nước của người dân; xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước (nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất), thực hiện các giải pháp tích trữ, vận chuyển nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hoạt động xả nước thải, các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, xả nước mặn... tại các khu vực trữ nước, lấy nước của các nhà máy nước, bên trong công trình thuỷ lợi.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến của hạn mặn. Qua đó, kịp thời thông tin, tuyên truyền để cơ quan, đơn vị, người dân biết kịp thời ứng phó; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống hạn mặn của các ngành, địa phương, kịp thời tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành. Sở thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp nước theo phân cấp quản lý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, không nhiễm mặn theo quy định cho người dân trong vùng phục vụ, có phương án vận chuyển nước ngọt thô, đấu nối nguồn nước... về xử lý để cung cấp nước ngọt không tăng giá để phục cho nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra; khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản... phù hợp với từng khu vực, đặc biệt là đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây giống, hoa kiểng.
Mặt khác, Sở hướng dẫn, khuyến cáo, không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch, chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn; theo dõi, kiểm tra công tác vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo phù hợp với diễn biến mặn, vừa đảm bảo trữ nước ngọt, vừa thau chua, rửa mặn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp nước theo phân cấp quản lý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, không nhiễm mặn theo quy định cho người dân trong vùng phục vụ, có phương án vận chuyển nước ngọt thô, đấu nối nguồn nước... về xử lý để cung cấp nước ngọt không tăng giá để phục cho nhân dân.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đối với các dự án,công trình thủy lợi được giao làm chủ đầu tư theo đúng kế hoạch để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ ngăn mặn; có phương án ngăn mặn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đầu mối phục vụ trữ nước…
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đến các sông từ nửa cuối tháng 12/2024 và đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 2 - 3/2025. Mức độ xâm nhập mặn dự kiến sẽ sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm, nhưng ít nghiêm trọng hơn mùa khô 2023 - 2024 và tương đương với mùa khô 2022 - 2023. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn vẫn có thể diễn biến phức tạp gây thiếu nước, xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, việc chủ động ứng phó, bảo vệ nguồn nước và triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn rất quan trọng, góp phần hạn chế thiệt hại, bảo vệ sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân vào mùa khô năm 2024 - 2025.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, trong điều kiện hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư khép kín, chưa chủ động được nguồn nước cần phải quyết liệt triển khai các biện pháp như nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng hồ chứa nước ngọt, các công trình ngăn mặn trữ ngọt cục bộ theo khu vực.... để tăng cường tích trữ nguồn nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm trước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô năm sau.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre tiếp tục đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh đầu tư hoàn chỉnh, khép kín hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trong giai đoạn 2025 - 2030 nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230 km đê bao, bờ bao; 29 công trình cống), ước tính nhu cầu kinh phí cần được hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng.