Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh thông báo đến các địa phương, nhân dân gần khu vực cống âu thuyền Vàm Bà Lịch, các tổ chức, cá nhân có phương tiện thủy biết vấn đề này ảnh hưởng đến giao thông thủy và linh hoạt lưu thông. Để công tác vận hành cống thuận lợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, khi lưu thông đến khu vực cống, tàu thuyền tuân thủ nghiêm quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa, hệ thống báo hiệu và tín hiệu. Trong thời gian đóng cửa cống, cửa âu thuyền, các phương tiện giao thông thủy neo đậu chờ mở cửa cống để lưu thông.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang về cảnh báo nước dâng, triều cường và xâm nhập mặn trên các sông khu vực Kiên Giang, hiện nay, độ mặn khu vực cửa sông có xu thế lên nhanh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh.
Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4,0‰ xâm nhập khoảng 18 - 20 km (xã Thuỷ Liễu, huyện Gò Quao), độ mặn 1,0‰ xâm nhập khoảng 34 km (thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao); trên sông Cái Bé, độ mặn 4,0‰ xâm nhập khoảng 11 - 13 km (cách thượng lưu cống Cái Bé khoảng 2 km), độ mặn 1,0‰ xâm nhập khoảng 15 km. Dự báo độ mặn cao nhất khu vực cửa sông có xu thế lên nhanh theo kỳ triều cường và ảnh hưởng hiện tượng nước dâng thời điểm trung tuần tháng 01/2025.
Mặt khác, để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các đơn vị chức năng và các địa phương đẩy nhanh thực hiện xây dựng, sửa chữa cống, trạm bơm điện, đắp đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương kết hợp làm đê bao và bờ bao…
Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé (Châu Thành), vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và Ô Môn - Xà No… đồng thời, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam để vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong một diễn biến khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng với mục đích chống ngập úng, chống hạn, chủ động chứa nước, xổ phèn và cấp nước phục vụ sản xuất cho diện tích hơn 14.300 ha đất trồng lúa, hoa màu của vùng đệm U Minh Thượng. Đồng thời, chủ động nguồn nước phòng chống cháy cho hơn 8.000 ha rừng Vườn Quốc gia U Minh Thượng và phòng chống sạt trượt đất, lún sụt cho tuyến đê bao ngoài vùng đệm, kết hợp tạo quỹ đất sắp xếp bố trí dân cư.
Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn, cập nhật tình hình mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc (An Giang) và các trạm nội đồng trên địa bàn.
Cùng đó, triển khai thực hiện điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh trục chính, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do hạn mặn, thiếu nước ngọt.