Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài 3: Trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp

Ngành nông nghiệp được tỉnh Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực, là trụ đỡ của nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2030.

 Tỉnh có quỹ đất nông nghiệp dồi dào với gần 425.000 ha để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn; trong đó, cây cao su chiếm 26%, cây điều chiếm 50,6% và cây hồ tiêu chiếm 10,7% diện tích cả nước. Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn với khoảng 480 trang trại.

Chú thích ảnh
 Khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình khép kín trồng dưa lưới quanh năm do Công ty Cổ phần Sản xuất – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương (Sikico Group), tỉnh Bình Phước đầu tư bước đầu cho hiệu quả. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tuần hoàn được tỉnh Bình Phước đặc biệt chú trọng nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển; kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng trên toàn thế giới; mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương.

PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển Chính sách, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Bình Phước tập trung phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại hiện đại và các vệ tinh xung quanh kinh tế trang trại. Từ đó, các trang trại quy mô lớn sẽ được đầu tư với công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả.

TS. Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững cũng phân tích, Bình Phước đang có dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất tốt nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp mà không phải địa phương nào cũng có được.

Nông dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số, không cần ra đồng ruộng vẫn sản xuất, làm ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường. “Vậy thì tại sao Bình Phước không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số bên cạnh chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo đà bứt tốc cho tăng trưởng xanh theo cam kết giảm phát thải khí nhà kính về Zero (0) như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)”, bà Nương đặt vấn đề.

Tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ tháng 3/2021, anh Đặng Dương Minh Hoàng (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Hợp tác xã đã ứng dụng triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Hợp tác xã đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với hội nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Sở Công Thương tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, doanh nghiệp, kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu bền vững.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ, hiện nay xu hướng sử dụng thực phẩm sạch đang được người tiêu dùng rất quan tâm và tìm kiếm. Do đó, nếu  không biết ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông sản hữu cơ thì sẽ mất nhiều cơ hội để kết nối người tiêu dùng, tạo niềm tin cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, Bình Phước cần có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, Bình Phước có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp. Sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là thế mạnh của tỉnh như sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới...  Do đó, đến năm 2030, Bình Phước phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là sản phẩm cây ăn trái, với quy mô khoảng 10.800 ha, tập trung vào các huyện: Bù Gia Mập 2.000 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Phú Riềng 1.500 ha, Bù Đốp 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Hớn Quản 1.000 ha, Đồng Phú 700 ha và thị xã Bình Long 600 ha.

Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô 9.500 ha, tập trung tại các huyện: Bù Gia Mập 2.500 ha, Bù Đăng 2.000 ha, Hớn Quản 1.500 ha, Lộc Ninh 1.500 ha, Phú Riềng 800 ha, Bù Đốp 600 ha và Đồng Phú 600 ha. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển chăn nuôi heo, gà theo mô hình tập trung tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng. Cùng đó, Bình Phước có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Đồng Xoài 68 ha với tổng mức đầu tư 264 tỷ đồng; Thanh Lễ 260 ha, mức đầu tư 1.402 tỷ đồng; Đồng Phú 496 ha khoảng 259 tỷ đồng; Hải Vương 650 ha khoảng 2.500 tỷ đồng và khu trung tâm nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha khoảng 179 tỷ đồng.

Liên kết chuỗi, xây dựng nông sản chủ lực

PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển Chính sách, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Bình Phước cần chú trọng phát triển các chuỗi giá trị nông sản giá trị cao như nông sản hữu cơ, organic, nông sản gắn với tín chỉ carbon, tín chỉ giảm phát khí thải (CERs) tạo nên thương hiệu riêng cho nông sản Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế. Vừa bắt kịp xu thế phát triển xanh, vừa là trọng tâm để quảng bá thúc đẩy kinh tế – xã hội, văn hóa – du lịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Bình Phước phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, tỉnh xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường. Đối với cây cao su, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ mủ cao su đến gỗ, mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu như: Nệm, gối, găng tay, lốp xe ô tô, lốp xe máy, các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.

Đối với cây điều, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đồng thời, đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Hạt Điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.

Về cây hồ tiêu, phát triển diện tích hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance, hữu cơ, đa dạng sinh học... theo liên kết chuỗi, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả, Bình Phước tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đa dạng sinh học, bền vững gần với sơ chế, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhận diện đặc sản địa phương, truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường trên cơ sở hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quân theo nhóm ngành hàng, địa phương. Địa phương hỗ trợ quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp thông tin về thị trường, liên kết và kỹ thuật sản xuất, bao hiểm nông nghiệp.

Chuỗi ngành hàng chăn nuôi (lợn, gà), tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng tính tập trung, hạn chế tình trạng phân tán nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng giải pháp kỹ thuật kiểm soát và hạn chế tối đa ô nhiễm do trang trại chăn nuôi quy mô lớn gây ra; xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững gắn với chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ). Ưu tiên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo ông Phạm Thuỵ Luân, Bình Phước còn cơ cấu lại hình thức liên kết, hợp tác sản xuất. Cụ thể, đối với liên kết ngang, tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu thị trường; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã; giữa các doanh nghiệp; liên kết vùng sản xuất.

Đối với liên kết dọc, địa phương tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.

Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Cùng đó, việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

Bài cuối: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đậu Tất Thành – Nhật Bình – KgửiH (TTXVN)
Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài cuối: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài cuối: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bình Phước đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp; nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN