Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài cuối: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bình Phước đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp; nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (Chơn Thành, Bình Phước). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Nhiều điểm sáng

Bình Phước luôn thực hiện phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Bình Phước còn có ưu đãi riêng về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… Giai đoạn 2022 – 2024, có 35 dự án được tỉnh hỗ trợ miễn, giảm, với hơn 356 tỷ đồng tiền thuê đất; 134 doanh nghiệp được miễn, giảm gần 126 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 16 dự án được miễn thuế nhập khẩu hơn 96,5 tỷ đồng; miễn thuế xuất khẩu đối với nguyên vật liệu, vật tư loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu hơn 7.786 tỷ đồng… Đây được xem là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút đầu tư so với các tỉnh, thành lân cận.

Riêng trong năm 2024, Bình Phước có 1.246 doanh nghiệp thành lập mới; thu hút 35 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký mới hơn 639 triệu USD. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 432 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,5 triệu USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…

Trong số các dự án FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh, có 2 dự án có quy mô rất lớn đáng chú ý. Cụ thể, dự án tổ hợp Nhà máy CPV Food Bình Phước có số vốn đầu tư ban đầu 230 triệu USD, chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, quy mô 170.400 tấn/năm của Công ty TNHH CPV Food (thành viên của Công ty cổ phần C.P Việt Nam) tại Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước. Hiện tại dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản là 45%, châu Âu 35%, châu Á 10% và Trung Đông 10%. Dự án góp phần tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh, hàng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.200 lao động; kỳ vọng mang về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm ở giai đoạn 2.

Tiếp theo là dự án nhà máy sản xuất lốp xe ôtô HaoHua của nhà đầu tư Shandong HaoHua Tire thuộc Tập đoàn HaoHua (Trung Quốc), quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico. Dự kiến hàng năm, nhà máy sẽ tiêu thụ sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp khoảng 120.420 tấn/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài. Cùng với việc hoàn thiện giai đoạn 1, tháng 11/2024, Tập đoàn HaoHua tiếp tục đầu tư 280 triệu USD để mở rộng nhà máy thêm 31 ha đất. Dự án mở rộng này dự kiến đạt công suất 10 triệu lốp xe mỗi năm, tương ứng với doanh thu 322 triệu USD. Khi cả 2 giai đoạn hoàn tất, tổng công suất của dự án sẽ đạt 24,4 triệu lốp xe mỗi năm, mang lại doanh thu tối thiểu 1,092 tỷ USD. Như vậy, HaoHua Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư lên 780 triệu USD, trở thành doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn nhất Việt Nam.

Sở hữu tiềm lực vững mạnh cùng kiến thức kinh nghiệm sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Hùng Nhơn đã xây dựng 2 trại chăn nuôi gà quy mô lớn; trong đó, quy mô của trại nuôi gà đẻ trứng đạt 320.000 con/lứa, trại gà thịt công suất 400.000 con/lứa. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Bình Phước là địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai, thể hiện qua môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, tạo được lực hút rất lớn trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI trong các lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo…

Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam đầu tư 129 triệu USD xây dựng nhà máy giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (thị xã Chơn Thành). Nhà máy chuyên sản xuất hàng tiêu dùng tã bỉm, khăn ướt... phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan và Malaysia. Năm 2024, doanh thu của công ty đạt 1.274 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 31 triệu USD, nhập khẩu đạt 29,56 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước gần 35,9 tỷ  đồng.

Ông Haluk Acar Ozgur, Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam cho biết, năm 2025, công ty sẽ đầu tư giai đoạn 2 với tổng vốn 250 triệu USD nhằm cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác trong khối các nước Đông Nam Á (ASEAN). Hayat cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60 nghìn tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250 nghìn tấn/năm.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước.

Lý giải nguyên nhân để Bình Phước đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút vốn đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước có vị trí chiến lược, nằm cạnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, chỉ mất hơn 2 tiếng di chuyển để đến các sân bay, cụm cảng quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cái Mép, Thị Vải. Từ vị trí thuận lợi như vậy cho thấy Bình Phước có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông – Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Bình Phước còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.

Mặt khác, Bình Phước có 5 huyện thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư và 5 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Do đó, khi đầu tư vào Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chăn nuôi.

Ngoài ra, Bình Phước còn thu hút các nhà đầu tư bằng việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, về đầu tư, tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ. Hiện nay, các thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng “nền tảng 4 tốt” là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt; cùng với “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được Bình Phước thường xuyên rà soát, cập nhật để ban hành, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Hàng năm, tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như PCI, Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các sở, ban, ngành phối hợp với các bộ, ngành chủ quản chủ động ra soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý. Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai sâu rộng các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt chú trọng tổ chức tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thường vụ các nước.

Cục Thuế phối hợp với Tổng cục Thuế tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật...

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á bày tỏ sự mong muốn, tỉnh Bình Phước sẽ khuyến khích việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thủ tục hành chính tinh gọn sẽ giảm thời gian và khối lượng thủ tục mà doanh nghiệp phải giải quyết. Các hệ thống công trực tuyến và chính sách thuế minh bạch sẽ mang lại cho các nhà đầu tư sự tự tin cần thiết để đầu tư dài hạn, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững. Các sáng kiến khuyến khích phù hợp như giảm thuế hoặc trợ cấp, cũng rất cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tin tưởng, với tiềm năng, thế mạnh đã được xác định, điểm nghẽn đã được chỉ rõ, mục tiêu cụ thể, định hướng, giải pháp rõ ràng, tỉnh Bình Phước đã có một hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định và bền vững, để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh. Bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Bình Phước nhất định đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của vùng và cả nước, cho một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đậu Tất Thành – Nhật Bình – K gửiH (TTXVN)
Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài 3: Trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp
Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới – Bài 3: Trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp

Ngành nông nghiệp được tỉnh Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực, là trụ đỡ của nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN