Theo đó, đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề: “Bình Phước vững bước vào kỷ nguyên mới”.
Bài 1: Động lực phát triển
Nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 1 trong 6 tỉnh của vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và với các quốc gia Đông Nam Á lân cận, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan. Trong tương lai, Bình Phước có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Bệ đỡ kết nối liên vùng
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi các hoạt động kinh tế vùng Thành phố Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn thì Bình Phước, nơi kết nối cửa ngõ với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn. Hơn thế, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong mấy thập niên tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một phần đáng kể của Đông Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi Bình Phước ở vị trí ít bị tác động nên có điều kiện phát triển. Đây là điểm chiến lược phát triển quan trọng của Bình Phước trong 10 đến 30 năm tới.
Mặt khác, hệ thống giao thông của Bình Phước (QL14, QL13, đường Hồ Chí Minh…) là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia, với các tuyến đường chính như: Quốc lộ 13 từ cầu Tham Rớt đi theo hướng Nam – Bắc qua trung tâm thị xã Chơn Thành, thị xã Bình Long đến Cửa khẩu Hoa Lư (gần 80 km); Quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước về Thành phố Hồ Chí Minh (gần 113 km)…
Trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước cách sân bay Tân Sơn Nhất 110 km, sân bay quốc tế Long Thành gần 100 km và các cảng nước sâu như: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải. Với vị trí chuyển tiếp này, Bình Phước có thể lựa chọn hướng phát triển về vùng Tây Nguyên, hướng sang Lâm Đồng, Đồng Nai và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, phát triển về phía Tây gắn với kinh tế cửa khẩu và vai trò quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia hoặc nhìn về thị trường trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và hướng ra biển Đông với thị trường xuất khẩu quốc tế.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, tiếp giáp với Campuchia và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông. Vị trí địa lý đặc biệt này biến Bình Phước trở thành cầu nối quan trọng giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các quốc gia Đông Nam Á lân cận. Là cửa ngõ phía Bắc vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước không chỉ kết nối các tuyến giao thương nội địa mà còn mở rộng quan hệ quốc tế với Campuchia qua các cửa khẩu Hoa Lư, Hoàng Diệu.
Các tuyến Quốc lộ 13, 14 chạy qua tỉnh giữ vai trò chiến lược trong luồng vận chuyển hàng hóa Nam Bộ – Tây Nguyên. Trong phát triển kinh tế Nam Bộ, Bình Phước đóng vai trò kết nối các trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Các khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc và Chơn Thành thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo mạng lưới sản xuất liên vùng. Song song đó, vị trí tiếp giáp Tây Nguyên giúp tỉnh trở thành trạm trung chuyển hàng hóa giữa hai vùng kinh tế trọng điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, nằm ở vị trí kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, trọng tâm là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và giữa vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar nằm trong trục hành lang kinh tế Đông Tây, trong tương lai khi dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây (Bình Phước – Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang) hình thành, Bình Phước tiếp tục giữ vị trí trung chuyển hàng hóa, giao thương tại cửa khẩu Hoa Lư giữa Myanmar, Thái Lan, Campuchia với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu qua hành lang kinh tế phía Nam. Như vậy, từ vị trí địa lý, Bình Phước có thể biến mình từ vai trò của “trạm dừng chân” trở thành một đầu mối quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tỉnh và cả những vùng kinh tế lân cận.
Với vị trí chiến lược trên, Bình Phước có thể đón đầu dòng nguyên liệu nông, lâm nghiệp, khoáng sản phong phú từ 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng). Hơn nữa, trong 5 năm trở lại đây, nhiều địa phương ở Tây Nguyên phát triển mạnh một số sản phẩm cây ăn quả, cũng như dòng nguyên vật liệu nhập khẩu đa dạng từ các tỉnh biên giới láng giềng Campuchia và từ Thái Lan, Myanmar. Tiềm năng về vị trí địa hình, địa lý giúp Bình Phước có khả năng nắm bắt cơ hội để trở thành một trong những địa bàn trọng điểm tiêu thụ nguyên vật liệu, phục vụ cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, từ vị trí dự trữ phát triển, Bình Phước đang dần trở thành động lực tăng trưởng của Đông Nam Bộ và cả nước, trọng tâm là phát triển chăn nuôi quy mô lớn và các đô thị Đồng Xoài, Chơn Thành… Đặc biệt, Bình Phước còn có những thế mạnh riêng, đó là vùng nguyên liệu, là tiềm năng du lịch, lại ở vị trí trung tâm kết nối vùng…
Lợi thế đón sóng đầu tư
Được mệnh danh là địa phương “tam long hội tụ”, các chuyên gia kinh tế nhận định, tỉnh Bình Phước là nơi hội tụ tất cả điều kiện thuận lợi để chủ động đón làn sóng đầu tư nội địa và quốc tế, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế địa phương và cả nước trong thời gian tới.
Nằm trong vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, Bình Phước có cơ hội để phát triển từ sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, các đô thị lớn, phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù được xem là vùng phụ cận cấp 2 sau các tỉnh tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Bình Phước đang có cơ hội chuyển mình từ tác động lan tỏa trực tiếp từ các tỉnh láng giềng này, đặc biệt là Bình Dương – một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Bình Phước đang có lợi thế về quỹ đất sạch, dễ dàng chuyển đổi mục đích từ nông nghiệp sang công nghiệp đối với vùng nông nghiệp không hiệu quả (cao su, tiêu, điều…).
Hơn nữa, Việt Nam nói chung, khu vực kinh tế vùng Đông Nam Bộ nói riêng đang là điểm đến cho các nhà đầu tư khu vực và quốc tế. Khi các đầu mối kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu phát triển chậm lại, xu hướng tất yếu sẽ có dịch chuyển đầu tư sang các địa phương lân cận. Vì vậy, trong tương lai nếu có chiến lược đầu tư hạ tầng, kỹ thuật kết nối nhằm xóa bỏ hạn chế về ranh giới hành chính và đảm bảo sự tương đồng với Bình Dương, tỉnh Bình Phước sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, hiện nay, các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trong vùng Đông Nam Bộ đã lấp đầy và giá thuê mặt bằng rất cao 130 - 150 USD/m2 cho 50 năm, nên các nhà đầu tư đã dịch chuyển đến tỉnh Bình Phước để đầu tư với quỹ đất rộng, mặt bằng sạch và giá thuê đất thấp, khoảng từ 80 - 100 USD/m2.
Hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và tiến ra Biển Đông được đánh giá là định hướng phù hợp với Bình Phước. Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã ở tình trạng quá tải”, các tỉnh tiếp giáp như Bình Dương và Đồng Nai đã phát triển đến một trình độ nhất định để có thể lực chọn và sàng lọc các nhà đầu tư. Do vậy, xu hướng dòng vốn đầu tư tràn đến với Bình Phước và một số địa phương khác ngày càng rõ ràng hơn. Xu hướng dịch chuyển các hoạt động chăn nuôi ra khỏi khu vực đô thị cũng mang đến cơ hội tiếp nhận cho Bình Phước nhờ vào vị trí kết nối.
Ngoài ra, với thế mạnh là cây điều và cây cao su hướng đến thị trường xuất khẩu, việc gắn kết với các hạ tầng cảng biển, sân bay tại Thành phố Hồ Chí Minh hay trong tương lai có thể là sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải thì việc hướng về phía Đông Nam và tiến ra biển Đông là lựa chọn khả thi nhất của Bình Phước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, mặc dù, quy mô kinh tế còn nhỏ so với các địa phương lân cận, nhưng những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 8,02%/năm (2016 – 2020), so với mức tăng trưởng 6,93% (2011 – 2015). Năm 2020, trong điều kiện nền kinh tế cả nước chịu tác động mạnh bởi dịch COVID–19 thì tăng trưởng GRDP tỉnh Bình Phước vẫn giữ được mức khá, trên 7,5%.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9,32% so với năm 2023, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước, ước cả giai đoạn 5 năm đạt 9,4%. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Phước có thể vươn lên, bắt kịp các nền kinh tế lớn của cả nước và trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế của khu vực miền Nam.
Từ những nền tảng vững chắc có sẵn, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã yêu cầu Bình Phước phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, tinh thần và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, chuyển đổi số để phát triển lực lượng sản xuất mới; chuyển đổi xanh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, các đột phá về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; phát triển các cụm ngành có tiềm năng, tạo nhiều việc làm và tăng thu ngân sách…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định: “Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định, đó là tư duy đổi mới, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền; sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tổ chức thực hiện quy hoạch để hiện thực hóa khát vọng của tỉnh”.
Bài 2: Đột phá từ cơ sở hạ tầng