Giao thông đi trước mở đường
Năm 1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, lúc bấy giờ toàn tỉnh có khoảng 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200 km; trong đó, tỷ lệ nhựa hóa chỉ đạt 16%. Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn tỉnh có 8.898 km đường giao thông, tỷ lệ nhựa hóa đạt 84%.
Các nhà đầu tư quốc tế nhận định, những năm qua việc kết nối giao thông liên vùng có cải thiện, nhưng Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 tiếng; chưa có kết nối cao tốc. Do đó, chỉ cần rút ngắn được khoảng 40% thời gian di chuyển trên, Bình Phước sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
PGS.TS. Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Bình Phước cần tập trung các nguồn lực và điều kiện cần thiết để chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội để đón đầu xu hướng chuyển dịch công nghiệp của các trung tâm công nghiệp lớn vùng Đông Nam bộ trên cơ sở phát huy sự tương hỗ và liên kết vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đồng quan điểm, theo TS. Đỗ Quang, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, để Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ có quy mô kinh tế thì địa phương cần xây dựng đồng bộ, liên hoàn và thông suốt nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phù hợp với tính chất và tốc độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.
TS. Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để Bình Phước có thể “cất cánh”, vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển. Đó là phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng khẳng định, để Bình Phước “cất cánh” thì vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển; trong đó, việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành; cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của QL14, kết nối vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đăk Nông đi Bình Phước về Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Địa phương còn xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như: đường Đồng Phú – Bình Dương; tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng – Chơn Thành – Hoa Lư; tuyến ĐT 753; mở mới đường Minh Lập – Phú Riềng quy mô 4 – 6 làn xe để kết nối Phước Long – Phú Riềng với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Để phục vụ cho quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội, Bình Phước quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản với quy mô diện tích khoảng 350 ha và quy hoạch phát triển vùng phụ cận quy mô 135 ha.
Đối với tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh là một phần của tuyến đường sắt xuyên Á, có điểm đầu nối với đường sắt quốc gia tại Dĩ An, Bình Dương nối ray qua ranh giới Campuchia tại cửa khẩu Hoa Lư, toàn tuyến dài khoảng 128 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài hơn 73 km, đường đôi đoạn Dĩ An – Chơn Thành và đường đơn cho đoạn còn lại, dự kiến được đầu tư sau năm 2030.
Tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước), đoạn Chơn Thành – Đắk Nông có chiều dài tuyến khoảng 102km, đây là một phần của dự án phát triển mạng lưới đường sắt Tây Nguyên bao gồm trục chính là: Đà Nẵng – Kon Tum – Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột – Chơn Thành – Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng đó, Bình Phước còn đầu tư xây dựng 3 cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh quy mô khoảng 25 ha, tại thị xã Chơn Thành khoảng 46 ha, tại huyện Đồng Phú khoảng 40 ha. Bởi, với nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến năm 2030 dự báo là khoảng 8 - 10 triệu TEU/năm, Bình Phước có vai trò rất quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, cảng cạn và trung tâm gom hàng/phân phối hàng hóa Chơn Thành, cảng cạn Hoa Lư, cảng cạn và trung tâm gom hàng/phân phối hàng hóa Đồng Phú thuộc huyện Đồng Phú là những mắt xích quan trọng trong hạ tầng logistics của vùng, giúp kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, khi những dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nêu trên hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị thông minh cho Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030.
Hoàn thiện quy hoạch công nghiệp
Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Tỉnh có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, Bình Phước huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, huyện Phú Riềng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.290 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 730 ha cụm công nghiệp, suất đầu tư 3 – 3,5 triệu USD/ha; đến năm 2030 phát triển 11.522 ha khu công nghiệp, 25.864 ha khu kinh tế, 1.279 ha cụm công nghiệp, suất đầu tư 3,5 – 4 triệu USD/ha.
Bình Phước quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã với tổng nhu cầu nguồn vốn lên đến 5.900 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh sẽ có 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 583ha. Giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh sẽ có thêm 14 cụm công nghiệp được bổ sung với dự kiến tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp Bình Phước là 33 ha/cụm.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Phước nhấn mạnh, địa phương tối ưu hóa nguồn lực từ đất đai để phát triển khu công nghiệp trong bối cảnh hạn mức đất công nghiệp của tỉnh bị hạn chế trong thời gian tới. Vì vậy, tỉnh chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng có đủ năng lực và kinh nghiệm; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp có quy mô nhỏ có diện tích dưới 500 ha và các khu công nghiệp có quy mô vừa với diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha; không phát triển các dự án khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000 ha.
Về phát triển hạ tầng điện, Bình Phước tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có.
Địa phương còn tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn. Trong đó, xây dựng 5 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung 2 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và tại Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư.
Đối với hệ thống xăng dầu, khí đốt, Bình Phước thu hút đầu tư thêm ít nhất 1 kho xăng dầu tại địa điểm phù hợp dung tích dưới 5.000m3; thu hút đầu tư, xây dựng thêm ít nhất 46 cửa hàng xăng dầu; 2 trạm nạp khí hóa lỏng công suất tối thiểu khoảng 2.000 tấn/năm; khuyến khích đầu tư cửa hàng xăng dầu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, nâng cao độ an toàn của hệ thống phân phối xăng dầu, khí hóa lỏng hiện có.
Mặt khác, tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa bàn đô thị như thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú; đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh tại thành phố Đồng Xoài; thu hút đầu tư, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô phù hợp tại khu vực trung tâm các huyện và khu vực nông thôn khác…
Ngoài ra, Bình Phước còn đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 200 ha tại thành phố Đồng Xoài; xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan; nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam; đồng thời, đầu tư xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực.
Bài 3: Trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp