“Thầy của sức khỏe” đồng bào Khmer

Hơn 20 năm công tác tại Trạm Y tế xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), y sĩ Thạch Đưa - Trưởng Trạm Y tế xã Lai Hòa không nhớ mình đã cứu chữa bao nhiêu người khỏi “lưỡi hái” của tử thần. Chỉ biết là từ ngày ông về với phum sóc của mình, mọi hủ tục lạc hậu và mê tín của đồng bào nơi vùng sâu này đã được bỏ, sức khỏe của đồng bào không ngừng được nâng lên.


 

Y sĩ Thạch Đưa khám bệnh cho bệnh nhân.

 

Với những nỗ lực và sự cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, ông Thạch Đưa đã được đồng bào mình gọi thân mật bằng cái tên “Lục Kru Sóc kha phép” (Thầy của sức khỏe).

 

Nặng tình với phum sóc


Lai Hòa là xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Vĩnh Châu, đồng bào Khmer chiếm gần 80% dân số, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe bản thân và gia đình của người dân nơi đây vẫn còn hạn chế.


Thấu hiểu sự thiếu thốn, cái nghèo, lạc hậu của đồng bào mình, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Y tế Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang cũ) những năm đầu thập niên 90, y sĩ Thạch Đưa đã tình nguyện quay trở về phum sóc để phục vụ đồng bào. Ông chia sẻ: “Là người Khmer, lại xuất thân từ vùng sâu, vùng xa nên tôi hiểu được những cái khó và cái cần của đồng bào mình. Tại sao người tiên phong phải là ai khác, mà không phải là chính mình”.


Ngày ấy, giao thông cách trở, việc đi lại gặp muôn vàn khó khăn. Mùa mưa thì phải lội sình ngập ngang đầu gối, mùa nắng thì đất nóng rộp hết cả bàn chân. Nhưng với trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc, không quản ngại mưa nắng, đôi chân ông vẫn đi khắp ngóc ngách của phum sóc vùng sâu ấy, dù cả đi và về phải mất cả ngày đường đội nắng mưa, bươn sình đất.


Những năm đầu khi y sĩ Thạch Đưa mới về, Trạm Y tế Lai Hòa tuy chỉ có 3 cán bộ nhưng phải kiêm nhiệm hết thảy mọi công việc, từ tiêm vắc xin, khám chữa bệnh… tại 11 ấp trên địa bàn xã. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nhiều lúc những cán bộ tiên phong này còn đói cả lương thực, thực phẩm. Nhiều đêm mưa dầm mà trực tại cơ quan vừa lạnh, vừa đói. Nhưng cái khó, cái đói, cái rét ấy không thể làm nản chí và chùn chân được một con người quyết tâm bám trụ với phum sóc mình.

 

Đẩy lùi hủ tục


Ngày trước, quan niệm của đồng bào còn rất lạc hậu, hễ có bệnh là đi xem bói, nhờ thầy bà vẩy nước để chữa bệnh, trừ tà ma... Hậu quả của những hủ tục lạc hậu chính là những cái chết thương tâm. Vì vậy, trách nhiệm của những vị y bác sĩ tại trạm y tế xã vùng sâu, trình độ dân trí thấp như Lai Hòa luôn rất quan trọng và nặng nề. Họ phải làm trách nhiệm của một người thầy thuốc, vừa kiêm thêm cả nhiệm vụ của một tuyên truyền viên trong việc giúp đồng bào gạt bỏ đi những hủ tục mê tín dị đoan đã ăn sâu vào tiềm thức. Từ tâm niệm ấy, hơn 20 năm gắn bó với trạm y tế, ông đem hết cái tâm và trách nhiệm của mình phục vụ đồng bào và người dân mình. Ông đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực của đồng bào qua những buổi khám bệnh tại nhà và tại trạm y tế xã bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Chính từ sự tích cực ấy, sức khỏe và nhận thức của người dân ở vùng sâu Lai Hòa ngày càng được nâng lên. Mỗi khi người nhà có bệnh, họ không còn đưa đến nhờ những thầy cúng làm phép hay vẩy nước như ngày trước nữa, mà đưa thẳng vào trạm y tế và bệnh viện.


Hiện mỗi năm Trạm Y tế Lai Hòa khám chữa bệnh cho hơn 20.000 lượt người dân trong xã, mỗi ngày có từ 50 - 60 lượt người. Năm 2008, Trạm Y tế Lai Hòa được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn, các trang thiết bị được tăng cường tốt hơn và hiện đại hơn. Những trang thiết bị mới, hiện đại đã góp phần giảm tải áp lực và hỗ trợ tốt hơn sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của cán bộ y tế nơi đây.


Năm 2011, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn xã Lai Hòa diễn biến rất phức tạp và khó kiểm soát. Trong đó, ấp Prey Chop nổi lên là một trong những ổ dịch lớn về SXH khi chỉ trong vòng chưa đầy một tuần đã xảy ra 3 ổ dịch. Thực trạng trên buộc những cán bộ của Trạm Y tế Lai Hòa phải có những biện pháp dập dịch khẩn cấp. Nhận định nguyên nhân của đợt dịch là do quan niệm trữ nước mưa trong các lu, khạp và bể nước của người dân nên những cộng tác viên của trạm vừa đến từng hộ dân múc loăng quăng vừa thuyết phục họ nuôi cá bảy màu, một mô hình được xem là hiệu quả lâu dài trong việc khống chế dịch SXH ở xã vùng sâu này.


Để mô hình phát huy hiệu quả cao nhất, nguồn cá bảy màu đã được nuôi sẵn từ trước tại Trạm Y tế xã khi người dân cần nuôi sẽ phát miễn phí và khi nhân rộng sẽ có đủ nguồn cá. Theo ông Đưa, thuyết phục người dân nuôi cá bảy màu trong bể nước sinh hoạt là một công việc cực kỳ gian nan và khó khăn. Bởi theo quan niệm của người dân, nước mưa trữ để uống và sinh hoạt trong lu, khạp, bể xi măng rất sạch và rất kín nên không có loăng quăng; nếu thả cá bảy màu vào nước sinh hoạt sẽ làm cho bẩn và tanh nước… Vì thế, ngay từ đầu, họ không chịu hợp tác, thậm chí còn chống lại. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông đã thuyết phục được họ và giờ họ đã làm theo ông.


Đúng 20 năm gắn bó với phum sóc, đồng bào mình, năm 2008 ông Đưa đã được nhân dân và đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Trưởng trạm y tế của xã Lai Hòa. Cũng từ đó, Trạm Y tế Lai Hòa luôn được công nhận đạt chuẩn y tế quốc gia 4 năm liền từ 2008 - 2011.


Bài và ảnh: Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN