Điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024 là ngân hàng câu hỏi được bổ sung, cập nhật, chú ý định hướng phương thức mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau năm 2025; Thêm hai điểm thi: Đại học Đà Nẵng và Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Số thí sinh dự thi là 11.537, tăng gần 2,5 lần so với năm ngoái. Trong đó, 6.617 thí sinh đăng ký thi môn Toán; 7.531 thí sinh đăng ký thi môn Ngữ Văn; 5.131 thí sinh đăng ký thi môn tiếng Anh; 1.972 thí sinh đăng ký thi môn Vật lý; 1.898 thí sinh đăng ký thi môn Hoá học; 380 thí sinh đăng ký thi môn Sinh học; 2.830 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử; 931 thí sinh đăng ký thi môn Địa lý.
Điều kiện để thí sinh tham dự kỳ thi này là: Thí sinh là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương), có đủ sức khỏe và không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có nguyện vọng: Đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học của Trường ĐHSP Hà Nội; Đăng ký dự tuyển vào các trường đại học công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, Trường có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đang làm việc tại 24 khoa đào tạo giáo viên tương ứng với các môn học ở phổ thông, 3 trường Phổ thông trực thuộc (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nam) và khối hành chính, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi:
Đội ngũ biên soạn đề thi là những chuyên gia hàng đầu, cán bộ, giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm thuộc các Khoa đào tạo. Trong số này có rất nhiều thành viên chủ chốt (chủ biên, tác giả, góp ý – phản biện,…) tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ, giảng viên thường xuyên được tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.
Về việc đảm bảo chất lượng đề thi, đại diện Nhà trường cho biết, Trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo lý thuyết khảo thí hiện đại. Hiện nay, Trường có 4 cán bộ phân tích đề thi, bao gồm: 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
Cán bộ chấm thi là giảng viên và giáo viên trong trường có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên là những thành viên nòng cốt tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).
Kết quả bài thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được 9 trường Đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Y Dược Thái Bình.