Đãi ngộ nhân lực chất lượng cao - Cần tránh chủ nghĩa bình quân

Gần đây, dư luận ở Đà Nẵng bức xúc trước tình trạng hàng chục “nhân tài” tại thành phố tự ý bỏ việc. Bên cạnh đó, nhiều người đi học nước ngoài theo nguồn tiền Nhà nước chu cấp rồi ở lại, không về phục vụ theo cam kết hoặc xin đền bù hợp đồng để ra ngoài làm ở công ty nước ngoài với mức thu nhập cao hơn…

Toà nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN

Từ năm 1997, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn lực, nhất là nhân lực trong khu vực công. Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo thành phố đã ban hành, triển khai kịp thời nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách thu hút nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết: Cùng với chính sách thu hút nguồn nhân lực và thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Đà Nẵng xác định nhiệm vụ “Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thành phố trong những năm đến”.

Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 117/2004/QĐ-UB ngày 7/7/2004 của UBND thành phố về việc phê duyệt chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng nêu rõ: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, đặc biệt là các chuyên gia giỏi về quản lý và chuyển giao công nghệ” (gọi tắt là đi học theo Đề án).

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX (2010-2015) và lần thứ XXI (2015-2020) tiếp tục khẳng định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Qua thực tiễn, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo Đề án, cụ thể 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 368 học viên bậc đại học; 89 học viên bậc sau đại học… Những học viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập trở về Đà Nẵng đã được UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương để bố trí công việc theo chuyên môn đào tạo. Đến nay, 460 học viên được bố trí công tác theo đúng ngành nghề đã học.

Với sự đa dạng về ngành nghề, môi trường giáo dục kể cả về văn hóa vùng miền, đội ngũ cán bộ đến với Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài đã đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ tại thời điểm hiện nay và trong tương lai, góp phần giúp thành phố bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng. Ngoài ra, chương trình cải cách hành chính đưa thương hiệu của thành phố vươn xa như: Nhiều năm liền Đà Nẵng là thành phố có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số PAPI, thành phố môi trường dẫn đầu cả nước; phát triển được một số đơn vị kỹ thuật cao về các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ nhất là công nghệ thông tin...

Các chương trình này đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đào tạo bài bản, thành thạo ngoại ngữ, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cao, am hiểu văn hóa các nước và có những mối quan hệ quốc tế (với các cơ sở đào tạo, công ty nước ngoài, giáo sư đầu ngành...)...; qua đó, giúp cơ quan trong việc mở rộng mối quan hệ quốc tế, khai thác thông tin, ứng dụng công nghệ cao nói riêng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công việc đối với đối tượng diện thu hút nhân tài đã bộc lộ những bất hợp lý trong quá trình triển khai. Từ đó, nảy sinh tình trạng hàng chục học viên không thực hiện đúng cam kết với thành phố là về phục vụ cho thành phố ít nhất 7 năm, sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, một số học viên đã viện nhiều lý do rồi không thực hiện nghĩa vụ.

Theo thông tin mới nhất, từ khi triển khai Đề án đến nay, có hàng chục học viên xin và được thành phố Đà Nẵng đồng ý cho rút ra khỏi Đề án. Trong đó, 40 người xin rút ra khỏi Đề án khi đang công tác với các lý do như: 15 trường hợp để đoàn tụ gia đình hoặc giải quyết việc gia đình; 6 trường hợp vì lý do cá nhân (để theo học ở bậc cao hơn); 3 trường hợp vì lý do sức khỏe; 16 trường hợp muốn thay đổi công việc. 47 học viên học viên bị buộc ra khỏi Đề án, trong đó 23 trường hợp không đạt kết quả theo yêu cầu Đề án; 19 trường hợp vi phạm quy định Đề án; 5 trường hợp bị cơ quan sử dụng lao động sa thải hoặc buộc thôi việc.

Qua tìm hiểu cho thấy, những bất cập khiến một số học viên không mặn mà trở về thực hiện nghĩa vụ với thành phố như: Sau khi tốt nghiệp đại học và sau đại học ở nước ngoài, môi trường làm việc, học tập ở đó tốt hơn nên nhiều học viên không muốn trở về nước làm việc. Bên cạnh đó, mức thu nhập ở nước ngoài cao hơn tại Việt Nam nên học viên càng không muốn về. Một số học viên trở về và đã được bố trí công việc, tuy nhiên, do không thể phát huy hết tài năng nên chán nản, xin rút khỏi đề án với nhiều lý do…

Trước tình hình trên, nhiều người cho rằng, Đà Nẵng bỏ phí, không trọng dụng nhân tài hay các học viên đã “qua cầu rút ván” không về làm việc phục vụ quê hương…

Qua tìm hiểu dư luận tại Đà Nẵng cho thấy, đa số cán bộ, nhân dân đồng tình với chủ trương thu hút, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, cán bộ có năng lực để về phụ vụ sự phát triển của Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần linh hoạt hơn trong việc bố trí cán bộ để họ phát huy tối đa trí tuệ của mình phục vụ thành phố ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn để nhân tài yên tâm phục vụ lâu dài.

Ông Nguyễn Đình Hùng (cựu chiến binh quận Sơn Trà) bày tỏ: Học viên khi được đi học theo Đề án của thành phố là đã sử dụng nguồn tiền từ ngân sách, nhân dân đóng góp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các bạn phải có trách nhiệm trở về cống hiến với quê hương, đất nước.

Bức xúc trước tình trạng một số học viên sau khi tốt nghiệp không trở về hoặc đồng loạt xin nghỉ việc, nhảy việc, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (trú quận Hải Châu) cho biết: Nếu như trước đây, các học viên có điều kiện du học tự túc hoặc có học bổng, chắc chắn họ sẽ không tham gia Đề án. Vì một lý do nào đó, họ đã tình nguyện tham gia đề án và sử dụng nguồn ngân sách để nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn… Không một lý do gì, những học viên này sau khi học xong đã vội “quay lưng” với niềm tin, hy vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Qua quá trình triển khai thực hiện thu hút nhân tài, Đà Nẵng đã phát hiện những bất cập cần tháo gỡ, hoàn thiện; từ đó, phát huy tối đa trí tuệ của những người đã, đang và sẽ đến Đà Nẵng cùng chung sức, chung lòng xây dựng Đà Nẵng ngày càng tươi đẹp hơn.

Bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng cho biết: Thời gian tới, Đà Nẵng triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công theo định hướng mới. Trên cơ sở tổ chức điều tra, dự báo tình hình để định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Việc đào tạo, bồi dưỡng sẽ gắn với công tác quản lý, sử dụng trong việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để “giữ chân" người tài, Đà Nẵng xem xét, bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường đối với nhân lực từ thu hút, đào tạo và cả cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan, đơn vị của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố mạnh dạn rà soát, điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp đối với những trường hợp có vị trí công tác chưa phù hợp với ngành nghề đào tạo và năng lực, sở trường. Việc đãi ngộ, vinh danh dựa trên công trạng, theo đối tượng cụ thể và tương xứng với những đóng góp, tránh chủ nghĩa bình quân…

Hy vọng, với những bước đi mới, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tìm về thành phố năng động bên bờ sông Hàn để được cống hiến, phục vụ và nhất là được thể hiện, phát huy trí tuệ, sở trường của mình; chung tay đưa Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai các trung tâm kinh tế - xã hội trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Sơn (TTXVN)
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Để cán bộ là cái gốc của mọi công việc
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Để cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN