Điểm “nóng” Khun HáXã Khun Há thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đa phần người dân là dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ theo đạo cao. Những năm gần đây, cấp ủy và chính quyền địa phương đã vào cuộc, chú trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú, kết nạp đảng viên để thành lập chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo, giúp bà con làm ăn dần vươn lên thoát nghèo.
Xã Khun Há có 14/15 bản với 812 hộ theo đạo Tin lành Việt Nam miền Bắc, Liên Hữu cơ đốc, Tin lành trưởng lão. Theo ông Đỗ Trọng Thi, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, 5 năm trở về trước tình hình di cư tự do trên địa bàn xã tương đối phức tạp, các hộ dân theo đạo thường xuyên di cư tại một số địa phương khác, trốn sang cả nước ngoài. Năm 2011, xã Khun Há có tới 10 hộ, 85 nhân khẩu là dân tộc Mông di cư sang huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) để “xưng Vua - lập Vương quốc Mông”. Điển hình là bản Lao Chải 1, xã Khun Há có tới 20 người di cư sang huyện Mường Nhé.
Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1 Cứ A Chu ở xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) đến tận hộ dân để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN |
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các hộ bỏ đi ngày ấy, chúng tôi cùng với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đến bản Lao Chải 1, nơi có 36 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Già làng trong bản kể lại, trước đây bà con sống rải rác ở trên cao gần bãi vàng Chinh Sáng. Do ở trên cao đất sản xuất ít, nguồn nước không có nên cuộc sống khó khăn, người dân chủ yếu đi làm thuê ở bãi vàng để kiếm sống qua ngày. Người dân sống vất vả với “4 không” – không điện, không đường, không trường, không trạm.
Các hộ dân Lao Chải 1 ở không tập trung, rải rác trên độ dốc cao mùa mưa dễ bị sạt lở ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân, năm 2002, huyện Tam Đường đã di dời 14 hộ của bản Lao Chải 1 xuống vùng thuận lợi. Chính quyền huyện san ủi đất, hỗ trợ bà con mặt bằng dựng nhà và lương thực, huy động lực lượng giúp bà con vận chuyển, tháo dỡ đồ đạc. Về nơi ở mới, cuộc sống tuy tốt hơn nơi ở cũ nhưng nhận thức của bà con còn hạn chế, tư tưởng vẫn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên không cố gắng tự vươn lên làm làm ăn.
Thời điểm đó, bản Lao Chải 1 không có đảng viên, chưa thành lập được chi bộ nên công tác lãnh đạo, việc tuyên truyền các đường lối chính sách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con còn hạn chế. Nhiều hộ di cư tự do, một số chị em phụ nữ bỏ nhà đi sang Trung Quốc với mơ ước có cuộc sống tốt đẹp hơn… Lợi dụng lòng tin tôn giáo, những kẻ xấu đã gieo rắc vào tư tưởng của bà con rằng Vua Mông sẽ ban của cải, đất sản xuất, không làm cũng có tiền tiêu. Nghe theo lời kẻ xấu, năm 2011, bản Lao Chải 1 có 20 người đã bán tài sản, lặng lẽ trốn đi trong đêm đến huyện Mường Nhé tìm miền đất hứa. Nhưng khi đến nơi, mọi người vỡ mộng sau nhiều ngày nhịn đói và sau đó chỉ có lực lượng công an, quân đội đến giúp đỡ họ về nhà trong niềm vui chào đón của bà con trong bản.
Không phân biệt người theo đạo
Với quyết tâm xây dựng địa bàn ổn định, bà con đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Đảng bộ xã Khun Há đã lựa chọn giải pháp tăng cường phát triển đảng viên trong vùng đồng bào theo đạo, “xóa” bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Đặc biệt, Chỉ thị số 01/2005/CT - TTg của Thủ tướng Chính Phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành, đã gỡ khó nhiều nút thắt cho xã trong công tác tôn giáo. Từ đó không còn tư tưởng phân biệt giữa người theo đạo và người không theo đạo.
Hiện nay, tổng số điểm nhóm cầu nguyện trên địa bàn xã 18 điểm (trong đó Tín lành Miền Bắc 13 điểm, Liên hữu cơ đốc 4 điểm, Tín lành trưởng lão 1 điểm). Bà con dân tộc sinh hoạt đạo theo điểm nhóm, tạo thuận lợi giúp cán bộ xã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục để bà con nhận thức rõ chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với bản chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ, Đảng ủy xã Khun Há điều động đảng viên về cơ sở sinh hoạt để đủ điều kiện thành lập chi bộ. Hiện nay, toàn xã đã có 15/15 chi bộ, bí thư chi bộ bản đều là đảng viên người địa phương, tổng số đảng viên theo đạo là 55 đảng viên.
Ông Đỗ Trọng Thi, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há nhấn mạnh: “Trước đây, một số bản chưa có chi bộ, chưa kết nạp được đảng viên là người địa phương nên chưa nắm được tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của bà con nên dẫn tới bất ổn về an ninh chính trị. Từ nhiệm kỳ 2011 đến nay, xã tập trung phát triển các bí thư chi bộ là đảng viên người địa phương. Đặc biệt, phối kết hợp với các trưởng nhóm đạo uy tín để tuyên truyền, vận động bà con tin tưởng theo Đảng, Nhà nước”.
Tại các chi bộ, tập thể đảng viên luôn đoàn kết một lòng triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các mô hình giúp bà con dân tộc xóa đói, giảm nghèo, không còn tình trạng di dân tự do, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Qua đó, góp phần xây dựng thôn bản ở xã Khun Há ổn định chính trị, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện.
Bài 2: Phát triển “cánh tay” nối dài của Đảng