Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Vĩnh Nhuận. |
Qua 6 năm thực hiện, với những cách làm sáng tạo, hợp với lòng dân, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành mô hình điểm với nhiều kinh nghiệm, bài học hay để nhân rộng mô hình cho các xã khác trong tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận, Trần Hữu Phúc cho biết, bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Nhuận gặp rất nhiều khó khăn, với xuất phát điểm thấp chỉ đạt 3 tiêu chí, cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt,...) trên địa bàn xã chưa được hoàn thiện.
Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao rất hạn chế, mặt bằng dân trí khá thấp; tỷ lệ hộ nghèo so với mặt bằng chung của toàn tỉnh còn cao nên vấn đề tìm ra nguồn vốn để huy động trong dân là một điều khó. Mặt khác, đa phần người dân trên địa bàn xã sống bằng nghề nông, trong khi xã chỉ sản xuất được 2 vụ/năm…
Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới khi đi vào thực tế không phù hợp phải kiến nghị thay đổi, điều chỉnh. Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới vào thời điểm cắt giảm đầu tư công nên việc đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn...
Những khó khăn trước mắt đã khiến chính quyền, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh Nhuận khá lúng túng, nhưng qua tiếp xúc, lấy ý kiến, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân trên địa bàn, chính quyền xã tìm ra “hướng mở” để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở sự ủng hộ, đồng thuận cao của bà con nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận, xây dựng nông thôn mới phải hướng đến người dân, tạo được niềm tin và làm cho người dân thấy được vị trí chủ thể và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trước thực tế này, UBND xã, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Nhuận đã có những chính sách, cách làm hay, hợp lý, được lòng dân và sát với điều kiện thực tế của địa phương.
Xác định người dân là chủ thể chính, là đối tượng được hưởng lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó, Ban chỉ đạo Chương tr ình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Nhuận luôn đề cao phương châm lấy dân làm gốc, thực hiện “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” ngay tại cơ sở. Đồng thời vận hành theo cơ chế phối hợp, song hành, giữa Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và người dân trong tham gia lao động, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người dân vào công trình, dự án... phát huy giá trị, hiệu quả của từng chỉ tiêu, tiêu chí trong chương trình, ông Trần Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận chia sẻ.
Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trao Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh và bảng tượng trưng giá trị công trình quà tặng trị giá 1 tỷ đồng cho xã Vĩnh Nhuận. |
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân luôn được xã Vĩnh nhuận quan tâm, với phương châm, xây dựng nông thôn mới trước hết phải đổi mới được tư duy của người dân về nông thôn mới, từ đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò, mô hình sản xuất lươn giống, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch Thái Lan, mô hình trồng nấm rơm, nấm bào ngư, trồng tre lấy măng...
Trong sản xuất nông nghiệp, xã Vĩnh Nhuận đã tăng diện tích sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ lúa/năm; thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; hình thành mô hình liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”...
Với những chủ trương đúng đắn, tạo được lòng tin ở nhân dân nên việc triển khai, chương tr ình được đông đảo người dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài xã nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp. Qua 6 năm triển khai, Vĩnh Nhuận đã huy động được gần 100 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của bà con nhân dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, chủ yếu là làm đường giao thông nông thôn, xây cầu bê tông, đường điện chiếu sáng, cất nhà đại đoàn kết, mua xe chuyển viện miễn phí,...
Về Vĩnh Nhuận hôm nay, dáng vóc của một xã nông thôn mới đang dần hiện rõ ở các mô hình sản xuất lúa giống của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, trên từng khóm, ấp. Các mô hình nuôi lươn giống, nuôi lươn không bùn, hay các cơ sở kinh doanh sửa chữa và sản xuất máy nông nghiệp… đang ngày càng khởi sắc. Hệ thống thiết chế văn hoá ở xã như sân vận động, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, trường học, chợ... đã “cán đích” nông thôn mới đúng lộ trình.
Đến thời điểm này, xã Vĩnh Nhuận đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; 98,16 % số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 82% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân của xã đạt 33,492 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã từng bước giảm, tính đến cuối năm 2016, toàn xã có 61/1.645 hộ nghèo, chiếm 3,92 % (giảm 3,17% so năm 2011). Căn cứ theo kết quả điều tra hộ nghèo đa chiều đầu năm 2016 toàn xã có 120/1737 hộ nghèo chiếm 6,91%.
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc xã Vĩnh Nhuận là xã đầu tiên của vùng tứ giác Long Xuyên hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 đúng lộ trình đã đề ra, sẽ góp phần giúp các xã khác trong tỉnh đang thực hiện chương trình nông thôn mới có thêm kinh nghiệm để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong tỉnh An Giang.
Đây đồng thời là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Nhuận tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, đóng góp nhiều hơn nữa những ý tưởng, sáng kiến mới trong việc huy động sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phấn đấu giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới trong những năm tiếp theo.