Tiền Giang huy động trên 900 tỷ đồng phát triển vườn cây ăn trái

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2017 - 2020, địa phương huy động khoảng 916 tỷ đồng đầu tư phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Trong đó, vốn ngân sách trên 26 tỷ đồng, chiếm 2,9%; vốn tín dụng trung và dài hạn hơn 445 tỷ đồng, chiếm 48,6%; vốn tự có của nhà vườn, doanh nghiệp và hợp tác xã trên 444 tỷ đồng, chiếm 48,5%...

Thu hoạch mãng cầu xiêm có lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Nằm ở khu vực sông Tiền, Tiền Giang có tiềm năng và thế mạnh phát triển vườn cây ăn quả đặc sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao từ mức 72.000 ha hiện nay lên 74.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn trái cây các loại tham gia thị trường.

Địa phương chú trọng phát triển vườn chuyên canh cây ăn quả với những chủng loại trái cây phù hợp các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn: vùng ngọt, vùng phèn Đồng Tháp Mười, các cù lao cồn bãi trên sông Tiền, vùng mặn và lợ ở Duyên hải phía Đông…

Để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư, địa phương ưu tiên chương trình, dự án thiết thực mang hiệu quả về kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, như triển cây thanh long Chợ Gạo, cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cây mãng cầu xiêm trên huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông, cây cam sành ở huyện vùng ngập lũ đầu nguồn Cái Bè, cây sầu riêng Ngũ Hiệp ở huyện Cai Lậy và vùng lân cận...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai dự án hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái tại các địa bàn trọng điểm: như đầu tư nhà sơ chế, đóng gói rau quả tại các địa phương; đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao ngăn lũ, ngăn mặn. Địa phương cũng giải quyết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, thâm canh cây cây ăn quả đặc sản, giúp nâng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản tham gia thị trường.

Ông Lê Văn Nghĩa cho biết, để chương trình đầu tư phát triển kinh tế vườn đi vào đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống, Tiền Giang tập trung vào các giải pháp hoàn thiện mạng lưới kênh mương thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho nông dân vùng chuyên canh đồng thời với tổ chức liên kết trong sản xuất theo chuỗi, thu mua, bảo quản và chế biến xuất khẩu…

Mặt khác, tỉnh coi trọng giải pháp về thị trường mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho trái cây chủ lực. Tỉnh tích cực hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại trái cây khẳng định thương hiệu trên thị trường như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo..mở rộng thị trường tiêu thụ trong ngoài nước.

Thời gian qua, phát huy vai trò kinh tế vườn trong tái cơ cấu nông nghiệp, Tiền Giang định hình được vùng chuyên canh dứa trên 15.000 ha nằm trong Đồng Tháp Mười, trên 7.400 ha sầu riêng Ngũ Hiệp, 4.700 ha xoài cát Hòa Lộc, 4.000 ha thanh long …tại 4 địa bàn trọng điểm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành.

Tỉnh có gần 400 ha cây ăn trái đặc sản áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chí VietGAP, Global GAP. Với việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật, cơ chế chính sách… kinh tế vườn Tiền Giang phát triển mang lại hiệu quả kinh tế bền vững giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo.

Minh Trí (TTXVN)
Hiệu quả từ hệ thống tưới cây ăn trái 3 trong 1
Hiệu quả từ hệ thống tưới cây ăn trái 3 trong 1

Hệ thống tưới cây ăn trái 3 trong 1 được rất nhiều hộ nông dân Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận… sử dụng, bởi có hiệu quả cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN