Hiệu quả từ trồng cây ăn trái

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở Hậu Giang đã chuyển từ trồng mía sang trồng cây ăn trái có múi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam ngày càng nhiều khiến giá đường trong nước khó cạnh tranh. Nguyên nhân đó cộng thêm lũ lụt diễn biến bất thường làm cho người trồng mía tỉnh Hậu Giang thua lỗ nặng nề. Đặc biệt, trong những năm gần đây, có những vụ, nông dân thua lỗ từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Dù đã bao đời gắn bó với cây mía nhưng họ không còn thiết tha nữa.


Thu nhập ổn định


Anh Lê Văn Nhớ, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là một trong những người tiên phong bỏ mía trồng cây ăn trái. Anh Nhớ cho biết sau nhiều năm theo dõi giá mía trên thị trường không thấy thay đổi, đầu ra sản phẩm bấp bênh, anh quyết định chuyển ba ha trồng mía sang trồng cam và quýt. Hiện nay, vườn cây ăn trái của anh Nhớ bắt đầu cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã chuyển 4.000 ha mía sang trồng các loại cây ăn trái. Thanh Hà - TTXVN


Theo tính toán của anh Nhớ, dù chỉ mới cho thu hoạch một phần diện tích vườn cây ăn trái nhưng vụ mùa 2013 gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng mía. Với hiệu quả kinh tế cao, cách sản xuất đúng hướng, phù hợp với thổ nhưỡng nên vụ này nông dân xã Phương Phú đã chuyển hàng trăm ha đất trồng mía sang trồng cây ăn trái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến 2020. Theo đó, Bộ đã chọn 12 loại cây ăn trái chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam Bộ.

Với quy hoạch này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng tới mục tiêu xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Việc phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực trồng tập trung cũng sẽ góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho người sản xuất và hiệu quả kinh doanh của các cơ sở thu mua, bảo quản, tiêu thụ trái cây…


Ông Trần Trung Bình, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, cho biết toàn xã có hơn 2.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và mía. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nông dân trồng mía không có hiệu quả kinh tế nên xã có chủ trương chuyển sang trồng cây ăn trái. Qua triển khai thực hiện, đến nay, đã có hơn 400 ha trồng mía chuyển sang trồng cây ăn trái, bước đầu cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, hiện nay, giá quýt, cam giao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hơn một trăm triệu đồng/ha/năm mà không sợ lũ lụt ngập úng như trồng mía.


Huyện Phụng Hiệp thuộc vùng trũng ngập lũ - địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh với hơn 9.500 ha cũng quyết định chuyển 4.000 ha mía sang trồng các loại cây ăn trái.

 


Phù hợp thổ nhưỡng


Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương xác định phương án ngay vụ này sẽ vận động người dân chuyển hơn 4.000 ha mía sang các loại cây có múi, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và lúa… Toàn huyện giữ lại khoảng 5.000 ha mía có năng suất, chất lượng cao tại các vùng đã được xây dựng ô đê bao khép kín gồm thị trấn Bún Tàu, Cây Dương và hai xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng. Còn đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do lũ lụt sẽ vận động nhân dân liên liếp trồng cây ăn trái vừa tránh được ngập úng, vừa có đầu ra sản phẩm ổn định.


Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, phấn khởi cho biết việc nông dân bỏ mía trồng cây ăn trái là cách làm đúng với chủ trương của tỉnh. Tuy bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế này có chậm so với kế hoạch của địa phương nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân thấy được chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp với điều kiện thổ nhưỡng sản xuất của từng vùng đất.


Theo đó, tỉnh Hậu Giang điều chỉnh quy hoạch đến năm 2015 giảm diện tích trồng mía xuống còn khoảng 12.000 ha, đến năm 2020 diện tích trồng mía của tỉnh giữ ổn định khoảng 10.000 ha. Điều nghịch lý hiện nay là: dẫu biết cây mía những năm gần đây khá bấp bênh, tỉnh đã khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích, chỉ sản xuất ở nơi đủ điều kiện canh tác, không bị ảnh hưởng lũ lụt, nhưng vụ mía 2013 nông dân tỉnh Hậu Giang vẫn xuống giống đến 14.007 ha, vượt hàng trăm ha so với kế hoạch.


 

Huỳnh Sử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN