Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, là một nhà khoa học rất tâm huyết với sự phát triển của lĩnh vực cây ăn quả nước ta - đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Tin Tức.
Ông đánh giá sơ bộ về tiềm năng của cây ăn quả khu vực đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?
Tiềm năng cây ăn quả Nam Bộ là rất lớn. Vì chỉ có Nam Bộ mới có điều kiện khí hậu nhiệt đới, sản xuất được xoài, thanh long, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, nhãn nhiệt đới... quanh năm được mùa. Mấy năm qua, xuất khẩu trái cây chủ yếu cũng là từ phía Nam như thanh long, nhãn, chôm chôm, dưa hấu, dứa cô đặc, mít sấy, chuối sấy... Những cây như chuối, dứa chỉ có chất lượng cao nếu được trồng ở vùng nhiệt đới. Đây là khu vực trái cây nhiệt đới cho trái 4 mùa, quanh năm nên rất thuận lợi cho việc phát triển.
Bưởi da xanh-một loại quả đặc sản của vùng ĐBSCL. |
Chúng ta hiện có nhiều loại cây trái nổi tiếng và là đặc sản như vú sữa, bưởi năm roi, sầu riêng, măng cụt... nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu được, vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?
Những đặc sản của chúng ta chưa thể xuất khẩu nhiều do chưa có số lượng lớn vì không có vùng chuyên canh, chưa được đóng gói đẹp và chưa được tiếp thị nhiều trên thế giới như Thái Lan, do vậy không thể cạnh tranh với trái cây nhiệt đới của Thái Lan. Điều này cũng dễ hiểu vì họ đã bắt đầu chú ý phát triển cây ăn trái trước chúng ta. 20 năm trở lại đây, chúng tôi đã thành lập hai viện nghiên cứu: Ở Mỹ Tho và ở Gia Lâm. Trong khi đó, Viện lúa đã được thành lập năm 1978, ngay sau đất nước giải phóng. Hơn nữa, chúng ta không chủ động được kinh phí. Ngoài ra, sự liên kết ở Việt Nam cũng không có nên rất khó đưa tiến bộ ra sản xuất như ở các nước khác.
Theo ông, cần những giải pháp gì để nâng cao giá trị của cây ăn quả nhằm hướng đến xuất khẩu?
Giải pháp trước tiên là sự quan tâm nhiều hơn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh. Thứ hai là cần có quy hoạch sản xuất những cây có lợi thế (hiện nay chưa có quy hoạch nên sản xuất là tự phát). Thứ 3 là quy hoạch xong phải có chỉ định ai thực hiện và chính sách hỗ trợ như thế nào, chứ không nên quy hoạch cho có, cho xong mà thiếu chính sách, thiếu người chịu trách nhiệm. Thứ 4 là nhà nước phải hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà đóng gói trái cây (hiện nay đóng gói rất lạc hậu so với Thái Lan), hỗ trợ các nghiên cứu về chế biến trái cây, tạo nhiều sản phẩm chế biến hơn. Thứ 5 là củng cố các hợp tác xã với nhiệm vụ là cầu nối giữa nông dân và nhà nước, tạo điều kiện để hợp tác xã có cửa hàng thu mua sản phẩm cho nông dân và bán lẻ với giá rẻ cho người tiêu thụ. Điều cuối cùng là phải ủng hộ các mô hình sản xuất GAP để người tiêu dùng Việt Nam không phải ăn các sản phẩm không an toàn nữa. Phải củng cố cho được mối liên kết giữa nghiên cứu và khuyến nông, giữa sản xuất và tiêu thụ, nếu để mạnh ai nấy làm như hiện nay thì sẽ phát triển rất chậm. Theo tôi thì nhà nước và địa phương phải chịu trách nhiệm là người chỉ đạo, hỗ trợ cho sản xuất phát triển chứ không phải ai khác.
Từng công tác nhiều năm ở Viện cây ăn quả miền Nam, xin ông cho biết những thành tựu mà Viện đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng để góp phần nâng cao giá trị, phẩm chất của các loại cây ăn trái?
Những thành tựu của Viện thấy rõ nhất là các nghiên cứu về bệnh vàng lá greening trên cây có múi, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất GAP... đã góp phần vào việc gia tăng xuất khẩu trái cây mấy năm gần đây. Những giống mới do Viện lai tạo như thanh long đỏ, cam sành không hạt, bưởi không hạt đã góp phần nâng cao chất lượng các dòng cây ăn trái. Hiện nay giống thanh long ruột đỏ đã trồng phổ biến ở rất nhiều nơi, kể cả Hà Nội. Tuy vậy, thành tựu lớn nhất là đào tạo rất nhiều cán bộ cho ngành và đã có rất nhiều dự án hợp tác quốc tế với các nước như Nhật, Pháp, New Dilan, Australia, Ấn Độ, Đài Loan... và cả các tổ chức quốc tế như FAO, ADB... Viện sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất GAP, nghiên cứu tạo giống mới với chất lượng cao hơn cho cam, quýt, bưởi, thanh long...; kĩ thuật sản xuất ra quả an toàn, vệ sinh thực phẩm và chuyển giao các tiến bộ mới cho khuyến nông và cho nhà vườn.
Xin cảm ơn ông!
M.T (thực hiện)