Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Chính sách tín dụng thực sự là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng; tín dụng chính sách trở thành một kênh tín dụng quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Bắc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội vùng Tây Bắc tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn có hiệu quả, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm.
NHCSXH tiếp tục bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; của các bộ ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Bắc đối với tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc; củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là Điểm giao dịch đặt tại các xã, đảm bảo ngày càng phục vụ tốt hơn và rộng khắp đến tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo báo cáo của NHCSXH, thông qua 2.528 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã; thực hiện cơ chế công khai, dân chủ, có sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc. Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, trong đó, có trên 1,5 triệu hộ là đồng bào dân tộc với doanh số cho vay đạt 44.917 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng với trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%; Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, vốn tín dụng chính sách đầu tư tại khu vực Tây Bắc đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng Tây Bắc từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).
Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An.
Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu, đặc biệt có tiềm năng lớn để phát triển thuỷ điện...
Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp; trình độ canh tác còn lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo cao (có 45/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ)... |