Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Tôn |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Nhận nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, tôi luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm và then chốt đối với Tây Bắc trong thời gian tới là công tác xóa đói, giảm nghèo”.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm khoảng 6%/năm). Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo” của cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức cao nhất cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo; trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% như: Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… Trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 49,98% hộ nghèo và 12,26% hộ cận nghèo; trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a có 46,56% hộ nghèo và 14,09% hộ cận nghèo.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH), Nguyễn Trọng Đàm, nguyên nhân các địa phương trong vùng Tây Bắc đều có tỷ lệ hộ nghèo cao và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước là do điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, đất đai khô cằn, diện tích đất sản xuất giảm, chất lượng suy thoái; thiếu nguồn nước; do các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai khác nghiệt như nóng, lạnh, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn đến tính mạng, sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng.
Điều kiện về hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng tuy đã phát triển hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn, bị chia cắt, khó tạo ra liên kết vùng như ở Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang… Nhiều thôn bản, nghèo, xã nghèo đi lại còn khó khăn, các công trình hạ tầng được xây dựng ở giai đoạn cũ đang xuống cấp, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung chưa phát huy tốt tác dụng, nhiều xã chưa có cơ sở trường học đạt chuẩn quốc gia.
Trình độ dân trí nhìnc hung còn thấp, lực lượng lao động tuy đông nhưng tỷ lệ qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện còn thấp, chưa biết cách làm ăn, trong đó một bộ phận còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của nhà nước. Nhiều hộ có đông người ăn theo, có người mắc tệ nạn xã hội.
Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch chậm. Tuy nông nghiệp là lĩnh vực có tác động nhất đến giảm nghèo, nhưng chưa phát triển thành nông nghiệp hàng hóa và bền vững. Công nghiệp và thương mại được đánh giá là lĩnh vực tác động chưa được nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp chế biến chủ yếu là nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp khai khoáng và phát triển nhà máy thủy điện chưa đem lại kết quả giảm nghèo ở một số tỉnh.
Phát biểu thảo luận bàn về giải pháp chủ yếu đảm bảo giảm nghèo nhanh và bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đều thống nhất: Rà soát thiết kế lại chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, cộng đồng, giảm cho không. Khuyến khích đầu tư vào miền núi, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc. Nâng cao năng lực cho người nghèo, cộng đồng. Tăng nguồn lực cho vùng và nghiên cứu cơ chế đặc thù cho một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao (có thể xây dựng một đề án riêng).
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Nguyễn Văn Bình, cho rằng: Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và giảm nghèo nhanh và bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc cần có các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo đối với Tây Bắc, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện như thế nào để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc nghiên cứu, xây dựng Đề án "Giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”, trình Bộ Chính trị vào Quý I năm 2017. Đề án cần huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, kinh tế, xã hội… vùng Tây Bắc.
Tiếp tục điều tra, khảo sát, phân loại đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo. Đánh giá, rà soát các chính sách giảm nghèo hiện hành; trên cơ sở đó tích hợp, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các chính sách giảm nghèo theo hướng giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, sang chính sách hỗ trợ có điều kiện. Đề xuất các quan điểm, mục tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc.
Trong đó, chú ý các giải pháp đột phá, đặc thù như: Phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương trên cơ sở phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương; giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân; giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng nghèo của các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương làm việc với các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ xây dựng Đề án. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc điều tra, khảo sát, phân loại đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo; kiến nghị các chính sách giảm nghèo phù hợp với điều kiện của địa phương.
Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc thực hiện một số nhiệm vụ: Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc chọn lọc một số nghiên cứu có giá trị để xây dựng Báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế Trung ương; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc và các địa phương thuộc Tây Bắc xác định một số nhiệm vụ khoa học đặt hàng về giảm nghèo cho Tây Bắc để có sản phẩm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.