Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, toàn xã hiện có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Đời sống của bà con trước đây luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau; cơ sở hạ tầng kinh tế của xã gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội đã làm thay đổi diện mạo của xã.
Ngoài hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, từ các chương trình, dự án, bà con ở xã Vĩnh Phú còn được hỗ trợ làm nhà ở, cho vay vốn sản xuất, nhờ vậy mà đời sống ngày một khá hơn, không còn hộ đói. Theo ông Dương Thanh Mảnh, người dân ấp Nguyễn Vũ, xã Vĩnh Phú, sự đổi thay hôm nay nhìn thấy trước mắt, đó là con đường bê tông xi măng thẳng tắp giúp bà con và con em đi lại thuận tiện.
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện. |
Nhiều chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ cho bà con trong sản xuất đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế gia đình. Gia đình ông Mảnh trước đây cũng thuôc diện nghèo, nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật nên giờ cuộc sống ổn định, đã xóa nghèo từ ba năm trước.
Anh Danh Sanh, ngụ ấp Huỳnh Tố, xã Vĩnh Phú cho biết, là hộ gia đình thuộc diện nghèo của xã do không đất sản xuất. Vì vậy, vợ chồng anh Sanh sống bằng nghề làm thuê mướn, nên đời sống luôn thiếu thốn. Năm 2014, anh Sanh được hỗ trợ một con bò giống theo Chương trình 135, mới đây được Nhà nước tặng nhà “đại đoàn kết”.
Hai niềm vui lớn đó đã tạo động lực cho vợ chồng anh Sanh chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Từ con bò được hỗ trợ ban đầu, giờ anh Sanh có thêm một con bê con và tiếp tục nuôi bò cái để có tiếp những con bê ra đời giúp thoát nghèo bền vững.
Anh Danh Viền cũng là những hộ nghèo ở ấp Huỳnh Tố, xã Vĩnh Phú được hỗ trợ bò giống theo Chương trình 135 cho biết, được Nhà nước hỗ trợ bò giống nên mừng lắm và hứa sẽ chăm sóc tốt, sau này có bê con, bản thân chí thú làm ăn.
Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, từ Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay có 57 hộ gia đình dân tộc Khmer được hỗ trợ bò giống sinh sản. Để bà con chăm sóc tốt, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Nhờ đó, số bò trong Chương trình phát triển khá tốt, tỷ lệ sinh sản cũng khá cao. Chương trình này thật sự trở thành cứu cánh trong xóa đói giảm nghèo của xã.
Mặc dù vẫn còn khó khăn, đến nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phú đã đạt được 11 tiêu chí xã nông thôn mới. Đời sống của đồng bào dân tộc Khmer cũng có bước thay đổi đáng kể; nhà ở kiên cố ngày một nhiều, nâng tỷ lệ điện lưới quốc gia và nước sạch sử dụng lên 95%.
Một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng lòng của bà con dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer đã và đang ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống bà con có mức thu nhập ngày ổn định, góp phần đưa xã vùng nông thôn sâu Vĩnh Phú ngày thêm phát triển.