Bảo vệ thị lực công nhân sản xuất linh kiện điện tử -Bài cuối: Cải thiện điều kiện lao động để bảo vệ mắt

Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu xã hội đã có nhiều đề xuất nhằm giúp công nhân sản xuất, lắp ráp điện tử bảo vệ sức khỏe nói chung và thị lực nói riêng.“Bảo vệ sức khỏe của người lao động, cũng chính là giúp doanh nghiệp phát triển bền vững” - TS - BS Doãn Ngọc Hải (Viện Sức khỏe nghề nghiệp - Môi trường, Bộ Y tế) nêu quan điểm.


Doanh nghiệp và người lao động


Các nhà khoa học của Viện Sức khỏe nghề nghiệp - Môi trường (Bộ Y tế) đã xây dựng các bài tập về mắt, và đưa ra các khuyến cáo cho doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ thị lực cho công nhân.


Theo các nhà khoa học, các doanh nghiệp cần căng cường độ chiếu sáng tại những vị trí làm việc có chiếu sáng không đạt tiêu chuẩn, nên sử dụng dùng đèn tuýp đôi trở lên, thay vì đèn đơn tại một số vị trí làm việc có sử dụng chiếu sáng cục bộ.

Tại các nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử, các thông số về môi trường lao động luôn “dưới ngưỡng nguy hại” nhưng chưa hẳn đã an toàn với người lao động.


Để tránh chói trực tiếp do đèn chiếu không có chụp, hoặc chụp không đảm bảo yêu cầu nên nguồn chiếu sáng luôn trong trường thị giác của người làm, doanh nghiệp cần trang bị chụp đèn tốt cho đèn chiếu sáng cục bộ. Để tránh chói phản xạ tại một số vị trí làm việc, cần thay vật liệu inox làm bàn, giá đỡ, bằng vật liệu sáng và không bóng. Một số vật tư lao động có nền tối, tương phản giữa sản phẩm và nền thấp, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng nhìn nên cần cung cấp mặt bàn/sàn/nền màu sáng, giúp tăng độ phản xạ ánh sáng, tăng độ tương phản giữa chi tiết quan sát và nền, làm tăng khả năng tiếp nhận thị giác. Một số công đoạn không cần có ánh sáng cao nhưng lâu nay vẫn xếp chung nhà xưởng, thì cần tách riêng khu vực có yêu cầu chiếu sáng cao và khu vực yêu cầu chiếu sáng thấp; hoặc có che chắn khu riêng biệt, tránh cho công nhân phải căng mắt do mắt phải điều tiết liên tục. Những công nhân có tật khúc xạ mắt cần được chỉnh bằng kính đeo phù hợp trong quá trình lao động.


Đặc biệt, vào giờ nghỉ ngắn, công nhân cần được hướng dẫn để tự thực hiện bài tập thư giãn mắt, và bài tập vận động ở các khu vực có ánh sáng ngoài trời, có tầm nhìn xa và bao quát các phía.


Xây dựng chuẩn bệnh nghề nghiệp, xác định ngưỡng an toàn


Tất nhiên, khuyến cáo chỉ là khuyến cáo. Để có thể yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện, điều này phải được quy định bởi các văn bản có tính pháp lý.
Một trong những căn cứ để xây dựng các nội dung luật về bệnh nghề nghiệp, là những bằng chứng khoa học, trong đó có dữ liệu về sức khỏe của người lao động. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử đều thực hiện quy định về việc khám chữa bệnh định kỳ cho công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, có nơi, theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Ngà (chuyên gia độc chất, Hội Y học lao động Việt Nam): Có công nhân khi khám bệnh theo “tuyến” của doanh nghiệp thì thấy “không sao”, nhưng đi khám nơi khác thì lại phát hiện nhiều dấu hiệu bệnh. Thêm vào đó, nghiên cứu tại các doanh nghiệp điện tử của châu Á cũng dẫn tới kết luận: Các cơ sở khám bệnh không đủ điều kiện hoặc chẩn đoán không đúng trách nhiệm, che giấu sự thật.


Hoặc theo TS - BS Doãn Ngọc Hải, có doanh nghiệp rất tự giác, nhưng “cả nhà máy có chừng 10.000 công nhân, thì chỉ chọn vài trăm công nhân đi khám”. Nội dung khám bệnh cũng mang tính chất tổng quát, không khám chuyên sâu vào những yếu tố có thể thể hiện rõ đặc thù nghề nghiệp. “Lẽ ra, cần phân rõ các bộ phận trong dây chuyền sản xuất để khám kỹ hơn, ví dụ: công nhân công đoạn chuyên lắp ráp linh kiện nhỏ, thì kiểm tra sâu về mắt, và có theo dõi thị lực từng giai đoạn” - TS Hải phân tích. Điều này đòi hỏi phải có các phòng khám chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp, với các bác sĩ hiểu được quy trình làm việc của từng ngành nghề.


Và bệnh do nghề nghiệp thường “đến”một cách từ từ, trong khi người lao động tuổi nghề lại thấp. Sau quá trình làm việc, không đủ sức, đủ tinh để tiếp tục lắp ráp, họ bị đào thải (hoặc tự bỏ việc). Khi đó, các nhà máy hết trách nhiệm, và hồ sơ bệnh án cũng khép lại, không còn “tung tích” nữa. Công tác thống kê do đó rất khó khăn.


Bài tập thư giãn mắt (cho các đối tượng lao động với máy vi tính, lắp ráp điện tử) - Ấn và day xoa nhẹ lần lượt vào 4 vùng quanh hố mắt (điểm giữa của cung lông mày, cạnh sống mũi, điểm giữa phía dưới mắt, chỗ hõm hai bên thái dương). - Sau đó vươn vai nhẹ nhàng và nhìn ra khoảng cách xa một lúc, thư giãn hoàn toàn các cơ mắt.

(Nguồn: Viện Sức khỏe nghề nghiệp - Môi trường, Bộ Y tế)

Một thực tế lại các nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử: khi đo đạc, mọi thông số kỹ thuật về độ ồn, nồng độ bụi, chất lượng không khí, âm thanh, hóa chất, ánh sáng... đều dưới “ngưỡng” cho phép. Điều này là một trong những căn cứ để doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm cải thiện môi trường lao động tại công ty, và người lao động khó có cơ hội đòi được quyền lợi của mình. Tuy nhiên, để xây dựng lại “ngưỡng an toàn” lại đòi hỏi một loạt các nghiên cứu bằng chứng, và cũng cần các trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Việc chuyển đổi các kỹ thuật này và xây dựng lại các tiêu chuẩn mất nhiều thời gian và liên quan đến nhiều bộ, ngành.


Do đó, để bảo vệ sức khỏe (nói chung) và thị lực (nói riêng) cho công nhân lắp ráp điện tử, cần sự tham gia của không chỉ các nhà khoa học, mà cả các nhà quản lý, hoạch định chính sách, bản thân người lao động cũng như sự vào cuộc của tổ chức công đoàn.


Sao cho không còn những công nhân, sau khi “mờ mắt” vì công việc, lại ngơ ngác như trường hợp cùa Huệ (công nhân Công ty DreamTeach): “Giờ mắt kém rồi, chắc em bỏ việc luôn. Có chế độ trợ cấp gì, em không biết. Chắc mấy hôm nữa em lại tìm xem ở khu công nghiệp này có việc gì mình làm được thì xin vào, nếu họ đòi tinh mắt thì thôi. Nhà em ở Thái Nguyên, bà và mẹ đều bị đái tháo đường, em làm được bao nhiêu phải gửi về nhà hết. Giờ mà không kiếm việc làm tiếp, chả biết sống ra sao”.


Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN