Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tính toán công việc tổng thể, dài hơi

Ngày 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới bối cảnh, tầm quan trọng, ý nghĩa của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.

Theo đó, đây là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tiến hành rộng. Kỳ vọng của Đảng, nhân dân rất cao. Nhưng lại được tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều… 

Bộ trưởng cho rằng, quá trình triển khai vừa qua đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn ngành. Để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo. Bởi với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm, khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vất chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó. 

Liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng lưu ý, tinh thần chung là cố gắng đảm bảo sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách. Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học sách giáo khoa mới nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ việc có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường... Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên, tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số… là giải pháp được Bộ trưởng lưu ý các địa phương thực hiện.

Với vấn đề cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý vấn đề này. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ quy định. Đây là việc cần làm sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông. 

Trao đổi về vấn đề có tính thời sự hiện nay là phòng, chống dịch và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể. Để làm được việc này, cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. Ở những nơi dịch bùng phát mạnh, học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh quay trở lại trường tới đó. Ngành Giáo dục các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến độ nhanh nhất tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Tại Hội nghị, đề xuất, kiến nghị của địa phương tập trung vào các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực hiện chương trình mới; lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn, in ấn tài liệu Giáo dục địa phương…

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu cho biết, thời gian đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm tháo gỡ kịp thời của Bộ, địa phương đã nhanh chóng đưa ra giải pháp để khắc phục.

Về chuẩn bị đội ngũ, cơ bản Bạc Liêu bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu đối với giáo viên giảng dạy lớp 1, 2 và 6. Thầy cô được tập huấn về cơ bản đã theo kịp yêu cầu thực hiện Chương trình.

Tỉnh Bạc Liêu đã triển khai các bước chọn sách theo đúng chỉ đạo của Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đánh giá của giáo viên, các bộ sách được lựa chọn đang được triển khai thuận lợi tại nhà trường, khả năng tiếp cận, nhận thức, kết quả cuối kì của học sinh đều có tiến bộ hơn so với thực hiện Chương trình 2006 ở các khối lớp tương ứng.

Tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối thuận lợi. Tỉnh đã cấp gần 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học; bảo đảm đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học triển khai chương trình mới với lớp 3 năm học tới.

Hà Tĩnh đồng thời rà soát lại đội ngũ giáo viên Trung học Cơ sở có trình độ đại học; làm việc với cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn để phối hợp tổ chức dạy học môn Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10. Hoạt động chọn sách, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh bảo đảm đúng tiến độ…

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, chia sẻ của các địa phương cũng cho thấy, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học); môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) ở cấp Trung học Phổ thông. Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ…

Trước những khó khăn này, các địa phương cho biết đã tích cực tham mưu với Ủy ban dân dân tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng, tuyển dụng đội ngũ theo hướng đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu bộ môn hợp lý.

Việt Hà (TTXVN)
Bồi dưỡng giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi cả chất và lượng
Bồi dưỡng giáo viên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi cả chất và lượng

Việc thay đổi cách tiếp cận và mô hình bồi dưỡng giáo viên mới đã góp phần nâng cao năng lực nhà giáo, đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN