Tờ Guardian (Anh) ngày 31/3 cho biết xét nghiệm nói trên tập trung vào DNA của khối u có trong máu. Cụ thể hơn, hình thức xét nghiệm này tập trung vào thay đổi hóa học đối với DNA này – được gọi là các mẫu methyl hóa.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu khẳng định xét nghiệm này không chỉ phát hiện người mắc ung thư mà còn xác định được đó là loại ung thư nào.
Ông Geoffrey Oxnard tại Viện Ung thư Dana-Farber thuộc Trường Y Harvard cho biết xét nghiệm mới này vẫn ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Nhóm nghiên cứu đăng nội dung nghiên cứu trên tạp chí Annals of Oncology và cho biết họ đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát triển hình thức này.
Ông Oxnard cho biết qua thử nghiệm với 3.052 người, chỉ có chưa đầy 1% trong số này bị xét nghiệm nhầm thành có mắc ung thư.
Xét nghiệm này còn phát hiện chính xác 18% đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn 1 và 93% đối với bệnh nhân ở giai đoạn 4.
Xét nghiệm máu mới cũng nhận diện được vị trí tế bào ung thư do vậy trong 96% mẫu được xác định là ung thư, có 93% dự đoán về loại ung thư là chính xác.
Ông David Crosby tại tổ chức từ thiện Cancer Research UK đánh giá mặc dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng kết quả thu được khá khả quan và nếu được cải thiện hơn, xét nghiệm máu mới này có thể trở thành công cụ trong phát hiện sớm ung thư.