Có từ hai đến ba đứa trẻ ở trong một phòng điều trị thuộc Khoa Ung thư trẻ em tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Nơi này rải rác đồ chơi và tiếng cười của các bệnh nhân nhí lẫn tiếng ồn ào từ một chiếc tivi. Nhiều em ở đây đã rụng hết tóc do hóa trị liệu.
Khoa đang điều trị cho 40 em nhỏ, trong số đó, 90% đang mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư máu - Zhou Chenyan, Phó trưởng khoa nhi của bệnh viện, cho biết trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Zhou Chenyan giải thích, quá trình điều trị cả hai căn bệnh này về cơ bản là giống nhau, thường yêu cầu phải trải qua những đợt hóa trị và đôi khi là xạ trị. Mặc dù có sự kết hợp của nhiều yếu tố dẫn đến căn bệnh của các em, bác sĩ Zhou chắc chắn cô đã xác định được một nguyên nhân chính – đó là việc xây dựng, cải tạo nhà ở.
“Hơn 70% các bệnh nhân sống ở tỉnh Tứ Xuyên đến đây từ những ngôi nhà gần đây được cải tạo”, cô Zhou cho biết.
Giống như việc hút thuốc có liên quan nhiều đến ung thư phổi, bác sĩ Zhou tin rằng các hóa chất được sử dụng trong vật liệu xây dựng và trang trí nội thất là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh bạch cầu với các bệnh nhân ở đây.
Cụ thể hơn, nữ bác sĩ chỉ ra một loại hóa chất thường được sử dụng trong các vật liệu để cải tạo nhà cửa – đó là formaldehyd.
Formaldehyd là một hóa chất không màu, không mùi được sử dụng làm keo và nhựa dẻo dùng cho các vật liệu xây dựng phổ biến ngày nay như gỗ ép. Nó được coi là một chất gây ung thư và đã được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu là có liên quan đến các dạng ung thư máu khác nhau.
Các quy định về chất lượng không khí trong nhà ở Trung Quốc giới hạn nồng độ formaldehyd ở mức 0,1 miligam / mét khối thể tích, nhưng quy định này thường bị bỏ qua và chủ nhà thường quay trở lại nhà của họ trước khi hóa chất độc hại bay hết.
Trong một vụ án gây xôn xao dư luận vào năm 2018, một người phụ nữ đã kiện công ty kinh doanh ứng dụng cho thuê nhà Ziroom ra tòa vì cái chết của chồng cô. Nguyên đơn họ Wang cho rằng căn hộ ở Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, nơi họ thuê thông qua ứng dụng Ziroom, có nồng độ formaldehyd cao trong sơn tường và điều này khiến chồng cô mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Ông đã chết ba tháng sau khi chuyển vào căn hộ.
Trở lại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, bác sĩ Zhou xác nhận rằng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi của cô đã trải qua thời gian nhà cửa nơi các em sinh sống được cải tạo hoặc xây mới trước khi ngã bệnh. Một trong những bậc phụ huynh có con nằm ở khoa là Liu Wei, một cựu đầu bếp người tỉnh Tứ Xuyên, có con trai tên Xuntao bị bệnh từ năm 2012.
“Hồi đó thằng bé mới gần 2 tuổi”, Liu nói. “Cháu bị sốt và có các triệu chứng cảm lạnh nặng. Tôi đã phải nghỉ việc để chăm con”. Liu Wei cho biết kể từ năm 2012, việc điều trị cho Xuntao đã khiến gia đình anh phải trả hơn 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 142.000 USD).
Hóa chất formaldehyd được sử dụng ở hầu khắp các hoạt động xây dựng, cải tạo nhà ở hiện nay. "Hồi còn trẻ con, tôi từng thấy cách người ta đóng đồ nội thất: thợ mộc đóng đồ gỗ đơn giản, bằng gỗ và đinh, và không sử dụng các hóa chất như thế này", ông Zhang Su, có con trai 19 tuổi bị bệnh bạch cầu, cho biết.
Bác sĩ Zhou nói rằng trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cần trung bình từ hai đến ba năm để điều trị, sẽ tốn khoảng 300.000 nhân dân tệ, nhưng đối với nhiều người, đây mới chỉ là khởi đầu. Trung Quốc duy trì một hệ thống chăm sóc sức khỏe bao gồm các chương trình nhà nước và tư nhân. Bảo hiểm y tế nhà nước chỉ chi trả một phần chi phí phát sinh do bệnh hiểm nghèo. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình phải vật lộn để trang trải chi phí chăm sóc cho con bị bệnh. Nhiều phụ huynh cũng phải nghỉ việc sau khi con cái họ bị ốm, bác sĩ Zhou nói.
Gao Yukang, 47 tuổi, làm nghề nông ở tỉnh Tứ Xuyên trước khi con gái ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2017. Bốn năm trước, gia đình Gao đã chi 500.000 nhân dân tệ để xây một ngôi nhà mới trong làng và chuyển đến ở một tuần sau khi hoàn thành. Trong vòng hai năm, cô con gái Zhaoruoyi của ông bắt đầu bị đau đầu và ho, rồi cuối cùng mất cảm giác ngon miệng. Gao cho rằng hóa chất formaldehyd trong các vật liệu xây dựng và nội thất nhà đã khiến con gái ông lâm bệnh.
Kể từ khi được chẩn đoán, cô bé 14 tuổi này đã được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên.
"Điều khó nhất là khi con bé không chịu ăn. Tôi không biết cháu muốn ăn gì. Cháu chỉ muốn không phải ăn bất cứ thứ gì", Gao đau khổ nói. “Tôi không thể bỏ mặc con bé. Tôi tin y học có thể chữa khỏi cho con. Đó là cách duy nhất để nhìn về phía trước. Tôi tin con gái tôi sẽ bình phục”.
Với nhiều gia đình nghèo khó, bác sĩ Zhou, vốn kiêm chức giám đốc Văn phòng Quản lý từ thiện bệnh viện, đã giúp thúc đẩy các nỗ lực gây quỹ để giúp trang trải chi phí y tế tốn kém cho bệnh nhân ung thư máu.
Kết hợp với một nhóm cha mẹ có con mắc bệnh trong khoa, cô còn thành lập một nhóm các nhà hoạt động nhằm loại bỏ formaldehyd tại những ngôi nhà mới xây hoặc mới được cải tạo ở Thành Đô. Tất cả họ đều là bố của các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Nhân dân Tứ Xuyên.
Nhóm có thể gồm từ 5 đến 10 người, họ đi phun chất khử formaldehyd lên đồ đạc, tường và những chỗ bị ảnh hưởng khác trong nhà để trung hòa hóa chất. Bác sĩ Zhou cho hay, mỗi người trong nhóm hiện kiếm được 300 nhân dân tệ mỗi ngày cho công việc này, ngoài ra dự án còn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ ung thư của việc cải tạo nhà ở.
Ông Hang Su, có con trai 19 tuổi bị bệnh bạch cầu tái phát vào năm 2016, là một thành viên của nhóm. Su cho biết ngôi nhà của gia đình ông đã trải qua quá trình cải tạo trước khi con trai ông tái phát bệnh, và các công nhân đã sử dụng formaldehyd.
“Bây giờ, hóa chất này được sử dụng trong khắp các hoạt động xây dựng. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã thấy cách đóng đồ nội thất: thợ mộc đóng đồ gỗ đơn giản chỉ bằng gỗ, đinh, và không sử dụng các hóa chất như ngày nay".
"Tôi hy vọng công việc của nhóm hoạt động loại bỏ formaldehyd có thể giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về những rủi ro nhiễm độc từ những hóa chất được sử dụng trong nhà. Các bậc cha mẹ phải đề phòng để bảo vệ con cái của họ", Hang Su nói.
Nhóm của Hang Su đã loại bỏ formaldehyd tại hàng chục ngôi nhà trên khắp Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên. “Chúng tôi tính giá thị trường cho dịch vụ, ở mức 60 nhân dân tệ/m2. Một ngôi nhà rộng 100 mét vuông mất khoảng ba giờ để hoàn thành”, Su cho biết.
Mặc dù khoản tiền này có vẻ quá nhỏ so với hóa đơn bệnh viện mà họ phải trả để điều trị con cái, theo bác sĩ Zhou, nó vẫn rất quan trọng. Nguồn thu nhập này mang lại cho các ông bố cảm giác độc lập về tài chính, vì nhiều người trong số họ đã thất nghiệp trong quá trình điều trị cho con.
Zhang nói rằng kết quả chẩn đoán bệnh bạch cầu cho một đứa trẻ có khả năng hủy hoại các gia đình những năm sau đó.
“Tôi đã chi 1,8 triệu nhân dân tệ để điều trị con trai tôi ở Tứ Xuyên và Bắc Kinh”, ông nói. Tôi chỉ nhận lại 400.000 nhân dân tệ từ bảo hiểm y tế, phần còn lại là tiền dành dụm và đi vay. Một số gia đình thậm chí buộc phải bán nhà", Zhang, có con 18 tuổi bị bệnh bạch cầu, nói thêm.
Tin tốt là với phương pháp điều trị đúng đắn, 70% trẻ em mắc bệnh bạch cầu sẽ hồi phục hoàn toàn. Anh Liu hy vọng con trai mình sẽ nằm trong trường hợp này: Xuntao đã được ghép tủy xương và được xuất viện về nhà hồi tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, tại các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, tỷ lệ hồi phục thành công là 95%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ tái phát và tử vong do các biến chứng khác nhau của bệnh bạch cầu là 30%, bác sĩ Zhou cho biết. Bệnh được coi là chữa khỏi nếu bệnh nhân không tái phát trong vòng 5 năm sau khi ngừng thuốc.