Virus Zika có thể tấn công cả não người trưởng thành

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Rockefeller cho thấy virus Zika không chỉ gây tổn thương cho sự phát triển não bộ thai nhi ở những phụ nữ mang bầu, mà còn có thể tấn công não bộ của người trưởng thành.

Một bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện ở Tegucigalpa (Honduras). Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nghiên cứu đầu tiên của các nhà khoa học về khả năng virus Zika có thể gây hại cho não người trưởng thành. Trước đây, các nghiên cứu về Zika mới chỉ tập trung vào việc đánh giá tác động của loại virus nguy hiểm này đối với quá trình hình thành não bộ thai nhi.

Giáo sư Joseph Gleeson, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ông và nhóm cộng sự đã sử dụng mô hình nghiên cứu trên chuột biến thể và công nghệ chỉ dấu sinh học huỳnh quang để quan sát những vùng não của chuột bị tổn thương, từ đó đánh giá tác động đối với não người trưởng thành.

Kết quả cho thấy virus Zika có thể tấn công khu vực não có chứa các tế bào thần kinh trung ương vốn quy định về khả năng học tập và trí nhớ. “Chúng tôi không muốn gây ra sợ hãi hay hoảng loạn… nhưng virus Zika có thể không vô hại (với người lớn) như mọi người vẫn nghĩ”, Giáo sư Gleeson trả lời trang tin CTVNews của Canada ngay sau khi kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Cell Stem Cell.

Zika – loại virus đang lây lan nhanh chóng ở Trung và Nam Mỹ trong 8 tháng trở lại đây - được biết đến rộng rãi là có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi như gây ra tật đầu nhỏ hay một số dị tật khác. Tuy nhiên, tác động của Zika đối với người trưởng thành thì rất ít được ghi nhận, do hầu hết những người bị nhiễm đều chỉ có những triệu chứng rất nhẹ, thậm chí không thấy gì. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Rockefeller do Giáo sư Gleeson dẫn đầu đã khiến nhiều người sửng sốt.

Theo giải thích của Giáo sư Gleeson, virus Zika có thể tấn công nhóm tế bào thân não, hay còn được gọi là tế bào đầu dòng thần kinh (neural progenitor cells). Một khi tấn công, virus Zika sẽ ngăn chặn sự phân tách tế bào, rồi sau đó tiêu diệt “con mồi”. Mặc dù hiện tại các nhà khoa học chưa biết chắc về tác động lâu dài của loại virus này, nhưng nhóm nghiên cứu của Giáo sư Gleeson đưa ra giả thuyết rằng virus Zika có thể gây suy giảm trí nhớ về dài hạn. 

Tất nhiên, giới khoa học sẽ cần phải tiến hành rất nhiều nghiên cứu nữa để xem những gì mà Giáo sư Gleeson và các đồng sự quan sát được ở chuột có thực sự sẽ diễn ra ở người hay không. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu đang rất nóng lòng tìm hiểu khả năng phục hồi của các tế bào thân sau khi bị virus Zika gây tổn thương.
 
Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Em bé đầu tiên nhiễm virus Zika chào đời tại Guatemala
Em bé đầu tiên nhiễm virus Zika chào đời tại Guatemala

Ngày 17/8, Guatemala đã xác nhận trường hợp em bé đầu tiên nhiễm virus Zika chào đời tại quốc gia Trung Mỹ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN