Ứng phó với dịch COVID-19 lây lan mạnh

Trước tình hình số ca nhiễm sars-cov-2 tăng mạnh, các địa phương đang phải gồng mình ứng phó với dịch, nỗ lực đáp ứng quản lý điều trị f0, hướng tới giảm tử vong, tránh quá tải y tế.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Số ca mắc tăng “chóng mặt”

Thời gian gần đây, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng vọt tại các địa phương; bên cạnh chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, sự xuất hiện của chủng Omiron cùng với việc mở cửa các hoạt động đã khiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao “chóng mặt”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong tuần qua là 124.945 ca/ngày, đa số là ca mắc trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố đang có số ca mắc hàng ngày cao như: Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Sơn La…

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số mắc, đã lên tới trên 30.000 ca bệnh/ngày và chưa biết khi nào sẽ là đỉnh dịch. TP Hồ Chí Minh những tuần gần đây số ca mắc COVID-19 lại tiếp tục tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.700 - 3.000 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng số ca tử vong do COVID-19 là 40.977 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.

Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1). Tại TP Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Với số ca mắc tăng cao, dịch COVID-19 đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ, thậm chí tiêm 3 mũi vaccine, nên dù số mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong theo công bố đang ở mức thấp, nhất là so với đợt dịch ở TP Hồ Chí Minh trước đây.

Hiện nay, điều đáng tâm nhất là tỷ lệ tử vong và mức chịu đựng của hệ thống y tế khi thực tế đa số các bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị tại nhà”. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Chúng ta đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao; số người nhiễm tăng nhưng đa số triệu chứng nhẹ. Đặc biệt, chủng Omicron đang tăng và thay thế chủng Delta, số mắc tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng giảm. Tuy nhiên khi số ca bệnh trong cộng đồng quá nhiều, số bệnh nhân chuyển nặng cũng sẽ tăng lên ở những người có bệnh nền, người già yếu… gây áp lực lên hệ thống y tế”.

Thực tế, số lượng ca F0 tăng mạnh và việc triển khai quản lý điều trị cho F0 cũng đang là gánh nặng rất lớn của y tế, nhất là y tế cơ sở, người dân gặp nhiều vấn đề trong khai báo, liên hệ với cơ sở y tế, thậm chí nhiều trường hợp không khai báo. Chưa kể, khi y tế quá tải còn dẫn tới các hệ lụy như người dân tự mua thuốc điều trị khiến tình trạng loạn giá thuốc; sử dụng thuốc vô tội vạ ảnh hưởng tới sức khỏe; xảy ra tình trạng tích trữ, găm hàng thuốc, vật tư y tế…

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Nhiều biện pháp được triển khai

Trước tình hình quá tải F0, các địa phương đã áp dụng các hình thức quản lý F0 tại địa bàn, huy động các lực lượng hỗ trợ, cùng với triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải…

Đơn cử như tại Hà Nội, hiện các địa bàn đã quản lý F0 thông qua tổ COVID cộng đồng tại các tổ dân phố bằng việc lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn điều trị, xác nhận thủ tục cách ly và khỏi bệnh; người dân có thể tự test nhanh tại nhà và gửi hình ảnh hoặc video kết quả đến nhóm quản lý F0 để được xác nhận; hay F0 khai báo thông tin trực tuyến qua các hệ thống như: chamsocsuckhoe. hanoi.gov.vn hay trang chamsocsuckhoe.yte.360.com được quản lý điều trị. Về điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội cũng triển khai tổng đài điện thoại 1022, huy động lực lượng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia để hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Chiến lược của Hà Nội là tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong. Để tránh quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được về nhà tự cách ly, điều trị, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Hiện, thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện. Thành phố cũng làm việc với một số bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho F0. Để giảm tải cho y tế cơ sở, thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với ngành Y tế huy động nhân lực hỗ trợ y tế cơ sở, từ lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, y tế ngoài công lập, y, bác sĩ nghỉ hưu, lực lượng học sinh, sinh viên trường y…

TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều giải pháp khi số ca nhiễm mới tăng nhanh. “TP Hồ Chí Minh bố trí, sắp xếp lại đối với các cơ sở thu dung, điều trị ở tại các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp, các bệnh viện, khi cần có thể kích hoạt và các đơn vị hoạt động trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao; chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” cập nhật người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện F0, từ đó chủ động điều trị; đồng thời phát hiện những trường hợp chưa tiêm vaccine để vận động người dân tiếp tục tiêm. Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ mắc COVID-19 sang những người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế thành phố có hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà. Với những gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các biện pháp hiện nay tập trung vào việc tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế… Cụ thể, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”.

Cùng với việc thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế, bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.

“Mỗi người dân tuân thủ thực hiện tốt quy định phòng dịch, nhất là biện pháp 5K. Người dân cần tránh tâm lý lơ là, buông lỏng cho rằng “ai cũng mắc”; không nên “đánh cược” với sức khỏe, tính mạng của mình. Bởi không ai biết được cơ thể mình có bệnh nền gì, nếu bị mắc COVID-19 sẽ thế nào, có bị diễn biến nặng thậm chí tử vong hay không… Có thể người trẻ, khỏe mắc với triệu chứng nhẹ, nhưng khi lây sang người nhà, nhất là người có bệnh nền, người già sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy mỗi người cần có ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho người thân cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Tạ Nguyên- Đan Phương/Báo Tin tức
Hơn 199,27 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam
Hơn 199,27 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 10/3/2022 có 372.742 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 199.277.592 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 182.233.131 liều và tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.044.461 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN