Các thao tác cắt dây rốn, lau khô mình đều được thực hiện khi em bé đang nằm trên bụng mẹ.
|
Trong Phòng Hậu sản của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, các sản phụ rạng ngời hạnh phúc, trên bụng quấn chặt đứa con vừa chào đời. Em bé nằm sấp trên người mẹ, da kề da. Bé trai được quấn với mẹ bằng chiếc khăn màu xanh, còn bé gái là khăn màu hồng.
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai đang thực hiện chăm sóc trẻ sơ sinh bằng "phương pháp da kề da" hay “Cái ôm đầu tiên của mẹ”. Phương pháp trên không chỉ với các ca sinh thường mà áp dụng ngay cả cho cả trường hợp sinh mổ. Được mẹ ủ ấm, các bé ngủ rất ngon, chỉ bé nào đói mới ọ ọe vài tiếng rồi dúi đầu, tự đưa miệng đi tìm vú mẹ.
Trước kia, em bé sinh ra được sát trùng và cắt dây rốn trong 30 giây đầu tiên, cách ly khỏi mẹ, đưa đi hút đàm nhớt, làm vệ sinh… Hiện nay, phương pháp chăm sóc mới có 6 bước: thông báo cho mẹ về giới tính, giờ sinh của trẻ; lau khô cho bé, ủ ấm (bằng cách nằm trên bụng da kề da với mẹ); tiêm thuốc co tử cung cho mẹ; kẹp dây rốn muộn (từ 1 – 3 phút sau khi sinh); kéo dây rốn và xổ nhau, hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung 1 giờ sau sinh; hỗ trợ sản phụ cho bé bú sớm. Như vậy, ngay sau khi chào đời, em bé sẽ ở cùng mẹ suốt một giờ. Tất cả các thao tác cắt dây rốn, lau khô mình đều được thực hiện khi em bé đang nằm trên bụng mẹ.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, "da kề da" là phương pháp chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm được Bộ Y tế kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai tại Việt Nam. Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai áp dụng thí điểm kỹ thuật này từ lâu, nhưng sử dụng phương pháp da kề da đại trà cho 100% trẻ sơ sinh (đẻ mổ và đẻ thường) mới triển khai được một năm. Phương pháp này đem lại hiệu quả không ngờ.
“Nhiệt độ của trẻ sơ sinh là điều quan trọng nhất, tối cần thiết đối với đứa trẻ sau khi ra đời. Da kề da với mẹ, thân nhiệt người mẹ sẽ ủ ấm cho bé. Trước đây, khi một đứa trẻ sơ sinh chào đời, chúng ta đem đi hút đàm nhớt, lau chùi, quấn khăn rồi mới sưởi ấm. Có quá nhiều khoảng thời gian trống, khiến em bé dễ bị hạ thân nhiệt, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não cao. Đó còn chưa kể tới động tác hút đàm nhớt thực hiện không khéo sẽ gây tổn thương niêm mạc hệ hô hấp còn non nớt của trẻ”, bác sĩ Hồ Thị Kim Hoa cho biết.
Ngoài ra, nằm trên bụng mẹ em bé vẫn nghe được tiếng nhịp tim mẹ đập như lúc bé còn trong bụng. Vì thế, bé sẽ yên tâm và không bị stress bởi thay đổi môi trường sống. Bên cạnh đó, phương pháp này giúp trẻ có phản xạ bú sớm hơn, có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Trẻ bú sẽ giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh.
Số liệu thống kê tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh... trong 6 tuần đầu sau sinh khi áp dụng phương pháp chăm sóc sơ sinh mới đã giảm đáng kể. Bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa lý giải, trước đây trong mùa đông xuân, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, hầu hết trẻ sơ sinh đều bị sốc nhiệt ở nhiều mức độ khi ra khỏi tử cung. Hiện tại, 100% trẻ không còn tình trạng hạ thân nhiệt. Nhờ đó, phương pháp da kề da là cách giải quyết vấn đề tận gốc đảm bảo trẻ không bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm sau sinh.
Do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc mạnh từ phía Bắc tràn xuống, từ ngày 8/1/2018, Lào Cai có mưa trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất các địa phương giảm đột ngột từ 9-11 độ, trời chuyển rét đậm, rét hại. Vùng núi rét hại nặng đến rất nặng, thời tiết lạnh, ẩm, mưa phùn… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này rất dễ gây mắc các bệnh cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi…), đặc biệt là với trẻ em. Trong một tháng trở lại đây, tỷ lệ trẻ nhập viện tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai luôn cao hơn trung bình 40%; trong đó, các bệnh do virus chiếm 50% như tiêu chảy cấp, ngoài ra là các bệnh về đường hô hấp.
Trước đợt rét đậm rét hại dự báo kéo dài, Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tăng cường thiết bị sưởi ấm, chăn ấm để bảo đảm chống rét cho người bệnh. Theo đó, các bệnh viện tăng cường các thiết bị sưởi, chăn ấm trong phòng nội trú. Với các bệnh nhân đến khám, các bệnh viện cũng phải đảm bảo sức khỏe cho người dân trong suốt quá trình khám bệnh, nơi chờ khám đảm bảo kín gió; đặc biệt chú trọng các bệnh nhân cao tuổi, sơ sinh và trẻ nhỏ, các phòng đẻ và sau sinh. Các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do rét, thời tiết bất thường như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch não, cúm, viêm đường hô hấp cấp...