Người giúp việc bạo hành cháu bé gần 2 tháng tuổi ở Hà Nam
Những ngày qua, trên nhiều trang báo đồng loạt thông tin về vụ việc một phụ nữ là giúp việc đã bạo hành cháu bé gần 2 tháng tuổi. Hành vi này đã được camera an ninh của gia đình cháu bé ghi lại.
Bà Hàn đã bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp để điều tra. Ảnh: dantri.com.vn |
Trước đó, ngày 22/11, một tài khoản trên mạng xã hội Facebook đã đăng tải một số đoạn video, trong đó ghi lại cảnh một người phụ nữ ( người giúp việc) liên tục bạo hành một cháu bé còn rất nhỏ mặc cho bé gào khóc.
Sự việc được xác định xảy ra ở nhà chị Ph. ở tổ 2, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Người phụ nữ có hành động phản cảm gây phẫn nộ dư luận trong đoạn video là bà Nguyễn Thị Hàn (sinh năm 1960, ở xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định) - người giúp việc của gia đình chị Ph.
Thông tin báo chí nêu, hình ảnh trong clip cho thấy, khi bé gái khóc, người giúp việc đã dùng tay đánh vào lưng, mông, tát vào mặt bé gái. Người này còn tung bé gái lên không trung nhiều lần rồi tiếp tục đánh vào lưng, mặt cháu.
Sau khi phát hiện sự việc, chị Ph. đã trình báo công an và đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Chiều 23/11, Cơ quan điều tra Công an thành phố Phủ Lý, Hà Nam đã bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn) để điều tra làm rõ hành vi hành hạ cháu bé.
Ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất (có hiệu lực từ 5/12/2017) đã thực sự khiến dư luận quan tâm vì liên quan trực tiếp đến hầu hết các cá nhân, gia đình.
Theo qui định tại Thông tư này thì những thông tin ghi trên sổ đỏ đối với “hộ gia đình” sẽ gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình theo quy định. Sau đó ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Ngay khi các báo đăng tải về Thông tư này và trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, quy định này không tạo ra các khó khăn hay rào cản, mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Quy định này cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất.
Tại buổi tọa đàm "Thông tư 33/2017-TT-BTNMT: Làm rõ quy định mới về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 25/11, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định, để được ghi tên vào trong sổ hộ khẩu thì thành viên của gia đình đó phải chứng minh được có quyền sử dụng đất mới được ghi tên. Ông Phấn nêu ví dụ, nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, tại thời điểm giao hộ gia đình đó có ông bố, bà mẹ và 2 người con. Sau đó phát sinh thêm 2 nhân khẩu mới thì hai nhân khẩu này không có quyền gì cả, không thể đòi được ghi lên sổ đỏ hộ gia đình.
Bốn trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh
Việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh trong cùng một buổi sáng ngày 20/11 đã khiến dư luận dành sự quan tâm đặc biệt và không thể không đặt câu hỏi, điều này có phải là bất thường?
Ngay sau khi sự việc xảy ra, tối 20/11, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã ra quyết định tạm đình chỉ kíp trực ngày 19/11 tại Đơn nguyên Sơ sinh để tường trình sự việc và phục vụ công tác điều tra.
Bệnh nhi sinh non đang được chăm sóc tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tối 21/11, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã thông báo kết luận ban đầu: 4 trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp. Tuy nhiên, các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, dù được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực. Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh viện đã có các biện pháp điều trị chống sốc, tuy nhiên bệnh nhân không đáp ứng được. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.
Bệnh viện cũng đã rà soát 92 trẻ đang điều trị tại đơn nguyên sơ sinh, chuyển các trẻ có tình trạng nặng lên Bệnh viện Nhi Trung ương (8 trẻ), Bệnh viện Bạch Mai (3 trẻ) và Bệnh viện Phụ sản Trung ương (9 trẻ) để tiếp tục điều trị.
Theo thông tin gần đây nhất, đến cuối ngày 24/11, trong số 3 trẻ sơ sinh này được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, 2 bé đã có tiến triển tốt về sức khỏe, có thể tự bú và được ra với mẹ. Một bé còn lại dù vẫn trong tình trạng rất nặng và chưa được ra khỏi phòng cách ly nhưng cũng đã có những tiến triển tốt hơn. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sức khỏe các bé cũng đều tiến triển tốt, thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng, không phải thở máy.