Dịch được kiểm soát, nhưng nguy cơ vẫn thường trực
Tính đến ngày 15/9, đã có tròn 13 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, số ca mắc rải rác những ngày gần đây đều là các ca từ nước ngoài về, đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh.
Như vậy đến nay đã là hơn 1 tháng rưỡi Việt Nam bước vào đợt dịch COVID-19 mới. Mặc dù đợt dịch COVID-19 này được đánh giá phức tạp, lây lan mạnh trong cộng đồng, từ Đà Nẵng đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành do Đà Nẵng là trung tâm du lịch, nhiều người ở các tỉnh thành khác từng đến du lịch trước đó; nhưng chỉ sau hơn 1 tháng dịch đã nhanh chóng được kiểm soát.
Đến ngày 15/9, các tỉnh có dịch cũng đã được trở về trạng thái “bình thường mới”. Đơn cử như Hải Dương kết thúc thời gian cách ly y tế đối với một số cụm dân cư, khu phố trên địa bàn huyện Nam Sách và TP Hải Dương; Huế gỡ bỏ kiểm soát người và phương tiện về từ Quảng Nam, dỡ bỏ một số hạn chế khu vực kiểm soát công dân về từ vùng có dịch; tại Quảng Ngãi, Sở Y tế đã tạm ngừng hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh cho đến khi có yêu cầu nhiệm vụ mới, dừng hoạt động bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 sau khi hoàn thành nhiệm vụ; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhiều ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng…
Nhận định về tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Trong đợt dịch này, Việt Nam tiếp tục làm rất tốt, cả Chính phủ và người dân đã cùng vào cuộc kịp thời; đặc biệt các địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương là các ổ dịch phức tạp cũng đã làm rất bài bản, nên đã ngăn chặn được sự lây lan mạnh trong cộng đồng. Đến nay, có thể khẳng định đợt dịch mới này đã được kiểm soát. Những ngày gần đây, số ca tử vong cũng đã giảm mạnh. Với những ca tử vong vừa qua phần lớn là có bệnh nền, biến chứng nguy hiểm, còn lại đều có biểu hiện nhẹ. Kể cả trên thế giới hiện nay, xu hướng chung của dịch bệnh là mức độ bệnh nhẹ hơn và tử vong cũng đã giảm nhiều. Ở Việt Nam, những ca tử vong là do mắc COVID-19 kèm theo bệnh nền nặng, là “giọt nước làm tràn ly” của COVID-19”.
Tuy nhiên, người dân vẫn không được chủ quan, lơ là; như đợt dịch thứ 3 là một bài học lớn. Đặc biệt, sắp tới sẽ là mùa lạnh, ánh nắng mặt trời ít đi, nhất là ở khu vực phía Bắc, sẽ tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh, lưu hành dễ hơn. Trong khi đó, giai đoạn mùa đông cũng sẽ có nhiều loại chủng cúm xuất hiện, nên dễ nhầm lẫn với COVID-19.
Sắp tới, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vẫn lớn, bởi Việt Nam sắp mở cửa đường hàng không, tuy đã có sự cảnh giác cao, nhưng khó có thể ngăn chặn tuyệt đối, nhất là con đường nhập cảnh không chính thức.
Đặc biệt, sắp tới Việt Nam cũng sẽ không thực hiện cách ly tập trung phòng dịch với những người nhập cảnh làm việc ngắn ngày khi đã được xét nghiệm xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Về nguy cơ dễ bỏ sót ca bệnh trong trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết: “Việt Nam không thể đóng cửa mãi được khi đáp ứng yêu cầu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nếu nền kinh tế quá sức chịu đựng, thì hậu quả còn nặng nề hơn dịch bệnh. Vì vậy, phải chấp nhận có thể có những ca bệnh bị bỏ sót. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan có thể dùng nhiều biện pháp kết hợp để phòng chống dịch như: Theo dõi, hướng dẫn người nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch khi họ tiếp xúc với người khác và người tiếp xúc cũng phải có biện pháp bảo vệ. Đồng thời, nếu không thực hiện cách ly tập trung, những người nhập cảnh phải thông báo với những nơi họ đến để có sự kiểm soát, để người dân cũng có “cảnh giác” nhất định, phối hợp phát hiện trong trường hợp nếu có nguy cơ mắc bệnh”.
Cần chú ý đặc biệt tại bệnh viện, cửa khẩu
Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng. Tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu; vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn.
“Để luôn chủ động phòng dịch, trước mắt cần đặc biệt tập trung phòng chống tại các bệnh viện, nhất là tại các khoa Hô hấp, nơi có nguy cơ cao dễ bắt nguồn các đợt dịch, vì những người mắc bệnh sẽ đi bệnh viện khám trước tiên, trong khi bệnh viện phần lớn là người sức khoẻ yếu, người già, dễ mắc bệnh và biến chứng nặng. Bệnh viện cũng là khu vực có đặc điểm nhỏ hẹp, không thông thoáng khí, sử dụng điều hoà nhiệt độ tập trung, nên dễ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt những người từ nước ngoài vào cả từ cửa khẩu chính thức và không chính thức”, PGS. Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đến những người cao tuổi, người có bệnh nền phải tiếp tục bảo vệ sức khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng dịch thật tốt, liên tục dùng khẩu trang y tế và sát khuẩn tay. Với trẻ em và những người chưa tiêm phòng cúm, nếu có điều kiện nên tiêm mũi vắc xin phòng cúm; đặc biệt các cán bộ y tế trong bệnh viện là những đối tượng nguy cơ cũng nên được tiêm phòng cúm đầy đủ để tránh những dấu hiệu nhầm lẫn trong mùa đông tới.
Để phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà. Bên cạnh đó, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét tại các khu vực công cộng.
Mỗi hộ gia đình cần thực hiện vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện... vệ sinh ít nhất 1 lần/ngày... Người dân cũng cần kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.