Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 29.414.643 ca, trong đó có 931.927 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 21.260.091 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 60.683 ca và 7.222.625 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 14/9, thế giới có tới 144 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (81.911 ca), Mỹ (34.529 ca) và Brazil (15.155 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.054 ca), Mỹ (377 ca), Brazil (343 ca), Philippines (259 ca) và Mexico (217 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nhìn chung, Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới, trong khi số ca tử vong tại nhiều nước có dấu hiệu thuyên giảm.
Dù vậy, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Hiện Ấn Độ đang chứng kiến bệnh dịch leo thang nhanh chóng, với tổng cộng trên 4,9 triệu ca bệnh, trong đó 80.808 ca tử vong. Thời gian qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất trên toàn thế giới.
Chỉ trong một tuần qua, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận trung bình trên 90.000 ca mắc mới. Hiện số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại Ấn Độ cao gấp đôi số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia còn lại trong số 3 quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới.
Ngày 14/9, Quốc hội Ấn Độ trở lại làm việc, với các biện pháp nghiêm ngặt nhằm duy trì giãn cách xã hội, thời gian làm việc tại lưỡng viện đều được điều chỉnh trong khi các nhân viên truyền thông cũng bị hạn chế tiếp cận các cuộc họp.
Trong khi đó, Times of India ngày 14/9 dẫn các nguồn tin cho biết có khoảng 30 nghị sĩ và hơn 50 nhân viên của Quốc hội nước này đã nhiễm virus SARS CoV-2.
Tất cả các nghị sĩ và nhân viên các ban thư ký của cả Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ đều phải xét nghiệm COVID-19 trước khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội. Theo kết quả, khoảng 30 nghị sĩ và hơn 50 nhân viên của các ban thư ký đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS CoV-2.
Tình hình dịch tại bang Victoria, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Australia, đang có chiều hướng lắng dịu khi ngày 14/9, bang này ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong gần 3 tháng qua - 35 ca - trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ phủ Melbourne được dỡ bỏ một phần. Tới nay, Australia xác nhận khoảng 27.000 ca mắc COVID-19 và 817 ca tử vong.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này sẽ nới lỏng các hạn chế bằng cách hạ cảnh báo dịch COVID-19 xuống cấp độ 1 ở hầu hết các vùng hiện đang ở cấp độ 2.
Thành phố Auckland hiện ở cấp độ cảnh báo 2,5 và dự kiến, ngày 21/9 tới, Chính phủ New Zealand sẽ quyết định có hạ cấp độ cảnh báo tại thành phố này hay không. Cấp độ 2 quy định các cuộc tụ tập chỉ được có sự tham gia của tối đa 100 người trong khi cấp độ 2,5 và cấp độ 3 chỉ cho phép tối đa 10 người tham gia.
Theo cấp độ cảnh báo 1, mọi người dân có thể trở lại làm việc, đến trường học, chơi thể thao và đi du lịch trong nước, các cuộc tụ họp không bị hạn chế. Tuy nhiên, New Zealand vẫn áp đặt hạn chế ở vùng biên giới cũng như yêu cầu vệ sinh đối với hàng hóa. Trong ngày, New Zealand ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.447 ca.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có xu hướng tăng trên toàn Canada, ngày 14/9, Thủ tướng Justin Trudeau đã lên tiếng cảnh báo Canada vẫn "chưa thoát hiểm" và đề nghị các công dân thận trọng. Thủ tướng Trudeau nhắc lại tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Hai ngày cuối tuần qua, Canada đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc COVID-19 mới - mức cao chưa từng có kể từ đầu Hè đến nay. Ngày 14/9, Quebec, tỉnh bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh và Ontario - tỉnh bang đông dân nhất Canada - đã xác nhận có thêm gần 600 ca nhiễm. Theo Thủ tướng Trudeau, các trường học mở cửa trở lại và các hoạt động kinh tế được khôi phục đã khiến số ca nhiễm mới tăng.
Tính đến ngày 14/9, Canada đã có khoảng 137.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có xấp xỉ 9.200 trường hợp tử vong.
Hàn Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế đối với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng cà phê và các cơ sở kinh doanh khác tại khu vực thủ đô Seoul sau khi ngày 13/9, chính phủ quyết định nới lỏng các quy định chống dịch COVID-19 ở khu vực này trong 2 tuần tới.
Theo giới chức y tế Hàn Quốc, nước này đã quyết định không gia hạn quy định giãn cách xã hội cấp độ 2,5 kết thúc vào đêm 13/9 tại khu vực thủ đô đông dân cư sau khi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn đã có hiệu quả.
Theo đó, từ ngày 14/9, khu vực thủ đô Seoul sẽ trở lại quy định giãn cách xã hội cấp độ 2 trong thang gồm 3 cấp độ, cùng cấp cảnh báo được áp đặt trên cả nước, cho đến ngày 27/9 tới. Trước đó, ngày 4/9 vừa qua, Hàn Quốc đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 thêm hai tuần, đến ngày 20/9, trên quy mô toàn quốc.
Saudi Arabia sẽ dỡ bỏ một phần quy định đình chỉ các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/9, sau 6 tháng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Người dân vùng Vịnh và những người không phải là công dân Saudi Arabia nếu có thị thực hoặc giấy phép cư trú hợp lệ và không mắc bệnh COVID-19 sẽ được phép đến Saudi Arabia từ ngày 15/9.
Ngoài ra, những trường hợp ngoại lệ khác gồm nhân sự của quân đội và chính phủ Saudi Arabia, nhân viên sứ quán, sinh viên và người đi chữa bệnh, cũng sẽ được phép đi và đến Saudi Arabia.
Theo Bộ Nội vụ, Saudi Arabia sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với hoạt động giao thông đường không, đường bộ và đường biển cho công dân nước này từ sau ngày 1/1/2021, nhưng thời điểm cụ thể sẽ được thông báo vào tháng 12 tới.
Saudi Arabia cũng sẽ thông báo sau về kế hoạch dần dần cho phép thực hiện lễ hành hương Umrah. Saudi Arabia hiện ghi nhận hơn 325.000 ca nhiễm, cao nhất vùng Vịnh, và hơn 4.200 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Âu, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 13/9 cảnh báo khu vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca tử vong theo ngày trong tháng 10-11 tới khi nhiều nước hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu hiện đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, mặc dù số ca tử vong tương đối ổn định. Ông Hans Kluge cũng khuyến cáo những ý kiến chủ quan cho rằng vaccine có thể chấm dứt đại dịch, đồng thời nhấn mạnh hiện chỉ có tác dụng với một nhóm người chứ không phải cả mọi người đồng thời kêu gọi người dân học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 và việc chấm dứt dịch bệnh phụ thuộc vào chính con người.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đã gia tăng trong vài tuần gần đây, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Pháp. Riêng ngày 11/9 vừa qua, hơn 51.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 55 quốc gia thành viên WHO thuộc khu vực châu Âu, cao hơn mức cao nhất báo cáo hồi tháng 4. Tuy nhiên, số ca tử vong theo ngày vẫn duy trì ở mức 400-500 ca, tương tự như mức kể từ đầu tháng 6.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.004 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 13.740 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.
Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng mạnh trong 1 ngày qua. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.
Hiện nay, tại ASEAN, dịch bệnh về cơ bản đang diễn biến phức tạp và có xu thế nghiêm trọng hơn ở hai quốc gia thành viên là Indonesia và Philippines, khi số ca tử vong tăng mạnh những ngày qua.
Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song hai nước này tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 13.746 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 381 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 562.834 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 437.304 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan và Campuchia – đang thuyên giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.