Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các quốc gia gồm CH Séc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Italy và Latvia bắt đầu thử nghiệm các kết nối mới giữa những máy chủ cung cấp ứng dụng truy vết của các nước. EC cho biết hệ thống mới sẽ đảm bảo những ứng dụng này hoạt động liên tục không gián đoạn kể cả khi người dùng đi qua biên giới các nước. Thông báo của EC nêu rõ người dùng sẽ chỉ cần cài đặt một ứng dụng và vẫn sẽ có thể báo cáo nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoặc nhận cảnh báo về các ca bệnh kể cả khi đi ra nước ngoài.
Brussels đang nỗ lực phối hợp giữa 27 thủ đô của các nước thành viên để truy dấu các ca bệnh và kiểm soát các ổ dịch tốt hơn trên phạm vi toàn liên minh. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU đã tự triển khai những ứng dụng truy dấu riêng, không đồng bộ với nhau, cản trở những nỗ lực nhằm giám sát dịch bệnh lây lan trên toàn khu vực.
Các quốc gia đã xây dựng những cơ sở dữ liệu tập trung riêng như Pháp và Hungary sẽ không thể tham gia hệ thống của EU. Nhưng những ứng dụng được sử dụng ở 18 quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức, Ba Lan và Italy, có thể tham gia hệ thống này. Những ứng dụng này sử dụng mô hình lưu trữ dữ liệu phi tập trung, cùng loại mà các hãng công nghệ hàng đầu của Apple và Google quảng bá, trong khi ứng dụng StopCovid của Pháp có một máy chủ tập trung.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton cho biết giao lưu nhân dân và đi lại tự do là nền tảng của mô hình EU và thị trường chung. Hệ thống mới sẽ tạo điều kiện đảm bảo những giá trị căn bản này trong bối cảnh đại dịch hoành hành và giúp bảo vệ mạng sống của người dân. Theo ông, nhiều quốc gia đã triển khai những ứng dụng truy dấu và cảnh báo riêng và đã đến lúc giúp những ứng dụng này tương tác với nhau.
Công nghệ trên dược hãng phần mềm hàng đầu của Đức là SAP và T-Systems, một chi nhánh của Dutsche Telekom phát triển. Đây cũng là hai hãng phối hợp phát triển phần mềm truy dấu virus được đánh giá cao tại Đức. Ứng dụng này tới nay đã nhận được 18 triệu lượt tải về.