Tháng 5 vừa qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại tụ điểm câu lạc bộ đêm ở thủ đô Seoul, quan chức y tế Hàn Quốc đã nhanh chóng triển khai một lực lượng tinh nhuệ bao gồm các nhà dịch tễ học, chuyên gia cơ sở dữ liệu và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm.
Kết quả điều tra cho thấy virus SARS-CoV-2 đã truyền từ một vị khách tới câu lạc bộ đêm sang một sinh viên, sau đó là lây lan sang một người lái xe taxi và một nhân viên nhà kho làm việc với 4.000 người khác.
Hàng nghìn đồng nghiệp, người quen và thành viên gia đình của người nhân viên đó đã được khoanh vùng và cách ly, điều tra dịch tễ. Khoảng 9.000 người đã được xét nghiệm. Hai tuần sau đó, mối nguy ổ dịch tại nhà kho 4.000 người đã phần nào được loại bỏ. Số ca mắc COVID-19 dừng lại ở con số 152.
Theo Bloomberg, lực lượng mang tên “Đội Phản ứng Tức thì” của ngành y tế Hàn Quốc đã đóng góp một phần to lớn vào quá trình dập tắt các điểm nóng COVID-19.
Mặc dù hiện tại COVID-19 chưa bị đánh bại hoàn toàn tại Hàn Quốc song số ca mắc mới trung bình tại quốc gia này chỉ dao động từ 30 đến 60 ca trong hai tháng trở lại đây, khác hoàn toàn so với con số 800 ca hồi tháng 2. So sánh với tình hình dịch bệnh tại thành phố Los Angeles (Mỹ), đây chỉ là con số khiêm tốn khi chỉ trong một ngày, số ca ở Los Angeles là 2.014 ca vào ngày 23/7.
Không phong tỏa một phần như Trung Quốc hay hạn chế du lịch như New Zealand, Hàn Quốc triển khai chiến lược tập trung xử lý các điểm nóng trong khi cho phép phần lớn người dân tiếp tục cuộc sống và công việc kinh doanh thường ngày.
“Chúng tôi can thiệp khi xuất hiện nguy cơ lây lan quy mô lớn. Công việc chính của chúng tôi là tìm ra mối liên hệ giữa các ca mắc mới, truy dấu các ca tiếp xúc gần và ngăn chăn sự bùng phát”, ông Kwon Donghyok – Phó Giám đốc Khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (SCD) Hàn Quốc – cho hay.
So với những quốc gia khác chứng kiến tình trạng xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ hai, thứ ba, Hàn Quốc có tỷ lệ ca mắc không biết rõ nguồn lây thấp nhất thế giới, chỉ đạt mức 8%.
CDC Hàn Quốc hiện có khoảng 100 chuyên viên điều tra dịch tễ, gấp 50 lần so với số lượng chuyên viên thời kỳ bùng phát dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Bất kể ngày nào, các chuyên viên cũng đều có thể điều tra các ổ dịch nguy cơ ở nhiều địa điểm khác nhau, từ nhà thờ cho đến các câu lạc bộ cầu lông hay xe hơi. Lây nhiễm ở các cơ sở nguy cơ thấp sẽ được giới chức y tế địa phương xử lý, còn đội tác chiến chỉ tập trung vào những điểm nguy cơ cao.
Một số quốc gia cũng thực hiện các biện pháp theo dõi tiếp xúc và mở rộng xét nghiệm, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc) và Đức đã thành công ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, một số nước khác lại gặp khó khăn nhiều hơn. Số ca mắc COVID-19 tại Melbourne tăng cao kỷ lục trong tháng này vì phương pháp chống dịch không phù hợp với dân số nhập cư. Ấn Độ cũng thành công trong chiến lược truy tìm dấu vết tiếp xúc tại những ổ dịch tập trung như khu ổ chuột Dharavi song nếu như nhân rộng mô hình ra đất nước 1,3 tỷ dân thì là một việc làm quá khó.
“Sức mạnh then chốt trong việc xử lý bệnh dịch tại Hàn Quốc là khả năng điều tra dịch tễ đối với từng bệnh nhân. Điều tra dịch tễ đặc biệt quan trọng. Nhờ đó chúng tôi có thể giảm thiểu quy mô ổ dịch và thậm chí chặn đứng các ca nhiễm mới", ông Jung Ki-suck – cựu Giám đốc CDC hiện là giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Hallym – cho hay.
Công việc truy tìm dấu vết tiếp xúc tại Hàn Quốc đồng nghĩa với việc phải xem lại hình ảnh hàng trăm giờ đồng hồ từ máy quay an ninh và rà soát điện thoại di động cùng gcác iao dịch thẻ tín dụng. Tại Hàn Quốc, máy quay giám sát hiện rất phổ biến và được lắp đặt ở gần như tất cả các tuyến phố cũng như nơi làm việc.
"Những quốc gia khác không có đủ khả năng làm việc đó thông qua điều tra từng bệnh nhân. Chúc tôi có số ca ít hơn các nước khác, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có quy chuẩn xã hội, chấp nhận hy sinh một phần sự riêng tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, tạo điều kiện cho điều tra toàn diện. Và những điều này thì không thể xảy ra ở các nước phương Tây", ông Jung kết luận.