Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 14/9: Số ca bệnh và tử vong cùng tăng mạnh ở Indonesia, Philippines

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.004 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 13.740 người.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 12/9/2020. Ảnh:AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.

Trong khi Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội. Số ca bệnh phát sinh trong ngày tại ASEAN tăng mạnh trong 1 ngày qua. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Hiện nay, tại ASEAN, dịch bệnh về cơ bản đang diễn biến phức tạp và có xu thế nghiêm trọng hơn ở hai quốc gia thành viên là Indonesia và Philippines, khi số ca tử vong tăng mạnh những ngày qua.

Singapore và Malaysia vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mới mỗi ngày, song hai nước này tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 13.746 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 381 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 562.834 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 437.304 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan và Campuchia – đang thuyên giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 14/9:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 265.888 +4.699 4.630 +259 207.504
Indonesia 221.523 +3.141 8.841 +118 158.405
Singapore 57.454 +48 27   56.802
Malaysia 9.946 +31 128   9.203
Thái Lan 3.475 +2 58   3.312
Myanmar 3.015 +83 24 +4 699
Việt Nam 1.063   35   918
Campuchia 275       274
Brunei 145   3   139
Timor-Leste 27       26
Lào 23       22
Chú thích ảnh
 Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/9, Philippines thông báo số ca tử vong mới do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tiếp tục ở mức cao kỷ lục, với 259 ca, nâng tổng số không qua khỏi vì dịch bệnh này tại đây lên 4.630 ca.

Bộ Y tế Philippines cũng cho biết với thêm 4.699 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên thành 265.888 ca - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Theo thống kê, số ca nhiễm bệnh tại Philippines đã tăng cao gấp 2 lần chỉ trong vòng 35 ngày trở lại đây.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giới chức nước này cho biết các nghĩa trang tại thủ đô Manila sẽ lần đầu tiên đóng cửa trong ngày Lễ các Thánh (All Saints Day) 1/11 tới nhằm ngăn hàng triệu người tại quốc gia đa số người theo Công giáo tới thăm viếng mộ người thân đã mất.

Chú thích ảnh
 Cảnh sát tuần tra để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, một quy định khác về giãn cách xã hội của giới chức Philippines đang vấp phải nhiều ý kiến quan ngại, đó là Bộ Giao thông nước này quyết định kể từ ngày 14/9, giảm khoảng cách tối thiểu giữa các hành khách trên các phương tiện công cộng từ 1m xuống 75cm. Con số này sẽ lần lượt giảm xuống mức 50cm vào ngày 28/9 và 30cm vào ngày 12/10.

Giới chuyên gia cảnh báo đây là một bước đi "vội vàng và nguy hiểm", có thể kéo dài hơn nữa làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên mà Philippines vẫn đang cố gắng ngăn chặn kể từ tháng 3 cho tới nay, từ đó làm chậm khả năng phục hồi của nền kinh tế.    

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.141 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 221.523 ca.

Ngoài ra, với thêm 118 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia hiện là 8.841 ca - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.   

Từ ngày 14/9, giới chức thủ đô Jakarta đã tái áp đặt biện pháp phong tỏa một phần để ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu chỉ được hoạt động 25% công suất thông thường, các nhà hàng chỉ được phục vụ đồ mang đi, các trường học, công viên và các điểm hút khách du lịch phải đóng cửa.

Những người xét nghiệm dương tính với virus, kể cả không có triệu chứng, cũng sẽ phải thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt tại các cơ sở của chính phủ.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong ngày 14/9, Singapore đã bắt đầu cấp phát thiết bị truy dấu tiếp xúc cho những công dân mong muốn nâng cao hơn nữa khả năng ngăn chặn đại dịch COVID-19 của đảo quốc này.

Thiết bị điện tử giống như máy nhắn tin có thể cầm tay mang tên TraceTogether này sẽ bổ sung thêm cho ứng dụng truy dấu tiếp xúc cùng tên trên điện thoại thông minh (smartphone) mà Chính phủ Singapore đã khuyến khích người dân tải xuống đầu năm nay, do việc có khoảng 5% dân số không sử dụng smartphone gây một số trở ngại cho nhà chức trách trong truy dấu tiếp xúc.

Chú thích ảnh
 Một cậu bé đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore, ngày 9/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi Chính phủ Singapore bắt đầu triển khai ứng dụng TraceTogether trên điện thoại thông minh vào tháng 3 năm nay, khoảng 2,4 triệu người đã tải ứng dụng này, song hiệu quả thu được chưa cao do một số vấn đề kỹ thuật.

Nhằm hoàn thiện hơn nữa ứng dụng này, chính phủ "đảo quốc Sư tử" đã bắt đầu cấp phát các thiết bị điện tử có thể cầm tay cho một nhóm nhỏ người cao tuổi cách đây một vài tháng, và giờ đây, chiến dịch này đang được triển khai rộng khắp cả nước. Dự kiến, việc cấp phát sẽ được hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
UNICEF: COVID-19 đe dọa các chương trình tiêm chủng ở khu vực Thái Bình Dương
UNICEF: COVID-19 đe dọa các chương trình tiêm chủng ở khu vực Thái Bình Dương

Ngày 14/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa các chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em ở Fiji và nhiều khu vực khác ở Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN