Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2021, đặc biệt khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại Việt Nam, sát cánh với đội ngũ y tế cả nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cục đã tham mưu và ban hành nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn dịch thứ tư, nhiều giải pháp được đề xuất và bàn hành kịp thời đã phát huy hiệu quả.
Đó là, ngoài việc sửa đổi cập nhật thường xuyên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đến 7 phiên bản, Cục còn xây dựng và tham mưu các quyết định về thành lập các trung tâm hồi sức tích cực hỗ trợ các địa phương giảm thiểu tử vong do COVID-19; kiểm soát lây nhiễm; tiêu chí an toàn bệnh viện/ an toàn phòng khám phòng chống COVID-19; Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị (QĐ 5525/QĐ-BYT ngày 1/12/2021.
“Nội dung này đã được Chính phủ đưa vào chỉ đạo tất cả các địa phương trên toàn quốc trong Công điện số 1815/CĐ-CP ngày 26/12/2021; xây dựng đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng. Xây dựng Danh mục trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của Khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19; xây dựng danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của Khu vực điều trị người bệnh COVID-19; Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; hướng dẫn thu dung và điều trị người bệnh COVID- 19 theo mô hình tháp 3 tầng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Đặc biệt, ngày 10/7, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước.
Để đảm bảo an toàn cho chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất cả nước trong khoảng thời gian ngắn, Cục đã xây dựng các Hội đồng chuyên môn đảm bảo an toàn tiêm chủng, huy động đội ngũ các chuyên gia cả nước xây dựng và ban hành các hướng dẫn sàng lọc, phân loại, xử trí các trường hợp có phản ứng bất lợi sau tiêm chủng và tổ chức đào tạo, tập huấn quy mô diện rộng cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng cả nước. Đến nay, cả nước đã hoàn thành hơn 165,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Đánh giá về hoạt động năm 2021 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: Những văn bản, chính sách mà Cục quản lý Khám, chữa bệnh tham mưu và ban hành đã góp phần hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Đặc biệt những điều chỉnh trong hướng dẫn đảm bảo an toàn tiêm chủng được điều chỉnh thường xuyên đã góp phần thành công cho chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong thời gian ngắn.
Trong năm 2022, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ: giảm thiểu tử vong trong điều trị COVID-19 đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng.
Cục triển khai chuyển đổi số hệ thống khám, chữa bệnh với các chương trình như hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh (hồ sơ sức khỏe điện tử), hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh (đăng ký hẹn khám bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...), hệ thống quản trị y tế thông minh (thống kê y tế điện tử, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia)
Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh…
Đặc biệt, để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại y tế cơ sở và tại hộ gia đình, Cục đẩy mạnh triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng bổ sung các hướng dẫn chi tiết phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh từ xa, tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Lồng ghép công tác khám, chữa bệnh từ xa và công tác chỉ đạo tuyến…
Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong khám, chữa bệnh. Cụ thể là minh bạch, công khai về viện phí, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh…
Bên cạnh đó, để giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, Cục thúc đẩy thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sau khi đánh giá và công bố mức chất lượng. Tổ chức đánh giá, chứng nhận và công khai chất lượng các phòng xét nghiệm theo mục tiêu lộ trình đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.