Đây là dự án được Chương trình phòng chống Lao quốc gia phối hợp với 2 tổ chức Friend For International Tuberculosis Relife và Clinton Health Access Initiative phối hợp triển khai giai đoạn 2017-2018.
Điều trị cho bệnh nhân lao. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Dự án ZTV Việt Nam: Mục tiêu của dự án là kết hợp các đối tác kỹ thuật và các tổ chức cộng đồng trong việc mở rộng và thực hiện mô hình chăm sóc bệnh nhân lao toàn diện tại 3 thành phố có tỉ lệ người mắc bệnh lao lớn nhất hoặc trung bình hoặc thấp nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh (164 người/100.000 dân), Hải Phòng (101/100.000 dân) và thành phố Hội An (68 người/ 100.000 dân).
Theo đó, dự án góp phần tăng phát hiện bằng cách tầm soát người tiếp xúc bệnh nhân và tăng cường năng lực nhân viên y tế cộng đồng; cải thiện chất lượng chẩn đoán đúng quy trình và công nghệ chẩn đoán tăng cường; hỗ trợ tuân thủ, tránh tái phát bằng cách chăm sóc điều trị toàn diện, điều trị lao tiềm ẩn; tăng cường báo cáo qua sự liên kết với các cơ sở y tế ngoài mạng lưới của Chương trình chống Lao quốc gia; chuẩn bị mở rộng mô hình, đánh giá tác động dự án, xuất bản và phát triển chính sách.
Nếu các mô hình điểm được thực hiện thành công thì từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ khống chế tỉ lệ người mắc lao là 2/100.000 dân. Trong giai đoạn 2005-2015, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ người mắc bệnh lao và tử vong do Lao xuống dưới 50%. Đó là một trong những cơ sở và động lực để Việt Nam triển khai mô hình ZTV.
Bác sĩ Mạc Huy Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hải Phòng cho biết: Tỷ lệ mắc bệnh lao tại Hải Phòng ở mức cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm tại thành phố có khoảng 2.700 bệnh nhân mắc lao mới. Thực tế còn khoảng 20-30% số người bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện hoặc phát hiện muộn. Đây là nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố.
Mục tiêu chung của Hải Phòng khi tham gia dự án ZTV là tăng số ca phát hiện, giảm tỉ lệ mất dấu sau chẩn đoán và thiết lập mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện dựa trên tiếp cận chủ động thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng và công nghệ tiên tiến.
Cả trẻ em và người lớn được chẩn đoán, xác định bệnh lao đều được điều trị theo phác đồ chuẩn quốc gia. Ngoài dựa vào các tổ chức đoàn thể, Hải Phòng đang đề xuất đưa những người đã từng mắc bệnh lao và được điều trị thành công tham gia hoạt động vận động, tuyên truyền, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng.