Việt Nam thúc đẩy Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu

Ngày 24/1/2017, bên lề cuộc họp Ban Chấp hành Đại Hội đồng Y tế Thế giới mà Việt Nam là thành viên từ năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn Việt Nam đã gặp Giáo sư Mario Raviglione, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO tại Geneva để bàn về những việc quan trọng nhất trong Chiến lược kết thúc bệnh lao tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Y tế hội đàm với Giám đốc chương trình chống lao toàn cầu của WHO

Ông Mario Raviglione thay mặt cho WHO đánh giá rất cao sự hỗ trợ đặc biệt và tính chuyên sâu của Bộ trưởng và đoàn Việt Nam cho công tác phòng chống lao tại Việt Nam và trên thế giới và cam kết sẽ dành sự hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam.

Nhân dịp này, Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu trân trọng mời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự Hội nghị Phòng chống lao toàn cầu tại Moscow, Liên bang Nga vào tháng 11/2017 nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quí báu và bài học thành công của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà kỷ niệm cho Giáo sư Mario Raviglione

Việt Nam, trực tiếp là những người thực hiện Dự án Phòng chống lao quốc gia, có liên hệ chặt chẽ với WHO và Chương trình chống lao toàn cầu. Dự kiến, hai bên sẽ phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách về lao và lao kháng đa thuốc trong khuôn khổ Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 8 tới.

Tại đây, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đối thoại chính sách với chủ đề: Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc trong các nước APEC. Hội thảo nhằm mục tiêu: Chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh lao; thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học công nghệ trong kiểm soát lao và lao kháng thuốc hiện nay; đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, đầu tư và khung hợp tác giữa các nền kinh tế để kết thúc bệnh lao trong các nước APEC.

Theo Giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Lao Phổi Trung ương, sự thành công của Chương trình chống lao phụ thuộc vào 4 yếu tố đó là: cam kết chính trị, đổi mới công nghệ, tiếp cận hợp lý và đầu tư thỏa đáng. Trong đó, cam kết chính trị là yếu tố quan trọng nhất. Để có cam kết chính trị ở mỗi quốc gia, nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngành Y tế là vô cùng quan trọng. Do vậy, diễn đàn APEC là cơ hội tốt nhất để vận động các nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngành Y tế quan tâm sâu sắc tới vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm.

Duy Thái (P/v TTXVN tại Geneva)
Việt Nam lần đầu tham gia Nhóm công tác nghiên cứu bệnh lao toàn cầu
Việt Nam lần đầu tham gia Nhóm công tác nghiên cứu bệnh lao toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lần đầu tiên thành lập nhóm công tác về nghiên cứu bệnh lao toàn cầu (Task Force on Global TB research) trong đó Việt Nam có đóng góp một thành viên là PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TW.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN