Mỗi năm, 30.000 người Việt Nam chết vì bệnh lao

Việt Nam vẫn nằm trong top 22 nước có gánh nặng về bệnh lao cao nhất thế giới và tình trạng lao đa kháng thuốc diễn biến đáng lo ngại. Vì thế, việc thực hiện chủ đề của Ngày Thế giới chống lao (24/3) năm nay là “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”, vẫn là một thách thức rất lớn.


 

Cán bộ y tế khám, điều trị cho bệnh nhân lao tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Theo thống kê của Chương trình phòng chống lao quốc gia, mỗi năm nước ta có thêm gần 200.000 người mắc bệnh lao, trong đó có khoảng 6.000 trường hợp mắc bệnh lao đa kháng thuốc, xếp thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu.

 

44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao


Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, nên tỷ lệ lây nhiễm cao. Bệnh thường bùng phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch, nhất là khi mang thai, mắc bệnh tiểu đường, sau cắt dạ dày, nghiện rượu, kém dinh dưỡng, suy nhược ở tuổi già…


PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết, nước ta có tỷ lệ dân số bị nhiễm lao cao. Dù chương trình chống lao quốc gia đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng số người mắc lao vẫn có xu hướng tăng. Hiện có 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao và mỗi năm có 30.000 người chết vì bệnh lao. Thực trạng này là do sự chậm trễ trong phát hiện và điều trị bệnh. Hiện vẫn còn 7% số người mắc lao không điều trị do tâm lý e ngại. Có bệnh nhân lại tự ý ngưng điều trị giữa chừng, hoặc trong quá trình điều trị không tuân thủ những dặn dò của bác sĩ (như ăn riêng bát đũa). Điều này gây nhiễm chéo trong gia đình, cộng đồng khiến việc điều trị rất phức tạp.


Đặc biệt, việc tự ý ngưng điều trị dễ dẫn đến vi khuẩn nhờn thuốc. Khi vi khuẩn lao không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc thì chi phí điều trị rất tốn kém và khiến nguy cơ tử vong cao. Hiện tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đa kháng thuốc ở Việt Nam là 3,8%. Thời gian điều trị cũng kéo dài hơn 19 - 24 tháng (so với lộ trình thông thường 6 - 8 tháng). Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã bị mắc lao. Một số người do sợ bị kỳ thị mà không đến cơ sở điều trị khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Đây cũng là mối họa tiềm ẩn gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng.

 

Đến năm 2030 cơ bản thanh toán bệnh lao


Việt Nam đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 sẽ giảm 50% số bệnh nhân mắc lao so với năm 2000. Đồng thời khống chế tỉ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc bằng mức năm 2010. Đến năm 2030 sẽ cơ bản thanh toán được bệnh lao.


TS.BS Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đa số người mắc lao mới ở Việt Nam thuộc độ tuổi lao động, điều này gây tổn thất rất lớn cho gia đình người bệnh và nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ xếp Chương trình phòng chống lao quốc gia là chương trình trọng điểm, được cấp kinh phí để người bệnh được điều trị miễn phí”.


BS Phan Thanh Liêm, Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, nếu được điều trị hoàn toàn miễn phí, hơn 70% số bệnh nhân bị lao kháng thuốc sẽ được cứu sống. Trước kia, những bệnh nhân bị lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong rất cao.


Theo các chuyên gia, để công tác phòng bệnh lao đạt hiệu quả cao cần phải chú trọng về phát hiện sớm, điều trị triệt để. Trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm vắcxin phòng lao đầy đủ và theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Với người đã nhiễm khuẩn lao, cách phòng bệnh tốt nhất là có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cải thiện môi trường sống và làm việc, giảm căng thẳng… để tăng sức đề kháng của cơ thể.


Dấu hiệu cơ bản của bệnh lao là ho kéo dài, gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi... Nếu cơn ho kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế kiểm tra. Khi bị bệnh lao, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc điều trị: Dùng thuốc đúng và đủ thời gian.


Châu Anh - Hạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN