Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.259 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019 và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng. Theo đó, tuần thứ 17, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 16 trường hợp mắc, trong đó có 3 trường hợp nội trú và 13 trường hợp ngoại trú, tăng 2 ca so với trung bình 4 tuần trước đó.
Tương tự, trong tuần 17, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn so với 4 tuần trước đó, từ 116 ca lên 121 ca. Đặc biệt, trong tuần 17, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 4 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh đã được xử lý ở 4 phường, xã thuộc 3/24 quận, huyện. Ghi nhận từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh có 6.394 ca mắc sốt huyết, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 (20.885 ca) và không có trường hợp tử vong.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thực hiện điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch sốt xuất huyết hàng ngày để có chỉ định xử lý kịp thời và đúng hướng dẫn chuyên môn; đồng thời chủ động triển khai các hoạt động phòng bệnh như: giám sát, xử lý điểm nguy cơ, truyền thông ngay cả khi ca bệnh giảm.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các quận, huyện lên kế hoạch rà soát và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn, thực hiện các hoạt động truyền thông lồng ghép phòng chống sốt xuất huyết và COVID-19.
Đối với các bệnh lây qua tiếp xúc như tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, cúm… Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cũng tăng cường phối hợp với ngành giáo dục giám sát, phát hiện sớm các chùm ca bệnh trong trường học; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân, đồng thời truyền thông phòng bệnh trong trường học và cộng đồng.