Hà Nội chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng cho học sinh

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến ngày 10/9, toàn thành phố Hà Nội có 554 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, bắt đầu mùa tựu trường đến cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ lây lan trong các trường mầm non. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế quận Cầu Giấy và các giáo viên hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi phòng bệnh tay chân miệng tại trường mầm non Dịch Vọng Hậu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc ngành triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng, chống tay chân miệng từ nay đến cuối năm 2019.
 
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; chú trọng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Đồng thời, Sở yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh miền Trung như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh tay chân miệng đã và đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm: Sốt có thể từ 1- 3 ngày hay 5 - 7 ngày tùy diễn biến của từng bệnh, kèm theo trẻ nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.

Khi trẻ có dấu hiệu nặng như quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, đi loạng choạng, nôn khan, khó nuốt, không ăn uống được cần ngay lập tức đưa tới điều trị tại các cơ sở y tế; tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm nhưng thường ghi nhận số mắc cao vào các tháng 9, 10, 11. Đây cũng là thời điểm trẻ nhỏ và các em học sinh bước vào năm học mới.

Tuyết Mai (TTXVN)
Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh
Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh

Ngày 25/10, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp tiếp tục được phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN