Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng

Ngày 18/10, Đoàn công tác Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Dương Chí Nam dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác kiểm tra tại nhóm trẻ tư thục Ngôi nhà Hạnh phúc, quận Hải Châu (Đà Nẵng).

Tại buổi làm việc, Đoàn ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, đề nghị ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh ở trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo như rửa tay với xà phòng; vệ sinh cá nhân, môi trường, phun hóa chất...

Bên cạnh đó, ngành Y tế Đà Nẵng phối hợp với các phòng ban chuyên môn tuyến cơ sở triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn các ổ bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan chéo trong những môi trường tập trung đông trẻ em; rà soát lại nguồn lực, trang thiết bị tại các bệnh viện để đảm bảo cho việc thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức chiến dịch phòng, chống bệnh tay chân miệng...

Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.376 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 187 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là trẻ em từ 1-3 tuổi, chiếm 72%. Qua kiểm tra giám sát, tại Đà Nẵng chưa có trường hợp tử vong do tay chân miệng. Đến nay, bệnh tay chân miệng cơ bản được khống chế và không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, công tác truyền thông phòng chống tay chân miệng vẫn còn nhiều hạn chế; một bộ phận người dân chưa chịu hợp tác trong công tác xử lý hóa chất Cloramin B nên công tác xử lý ca đơn lẻ và ổ bệnh tay chân miệng vẫn còn nhiều khó khăn...

Thời gian tới, ngành Y tế Đà Nẵng tăng cường phòng chống các loại bệnh, nhất là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết; tuân thủ quy trình giám sát, xử lý bệnh tay chân miệng, virus Zika và bệnh sốt xuất huyết theo quy định; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về bệnh tay chân miệng trên các phương tiện, thông tin đại chúng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, hóa chất, vật tư, thuốc... để phục vụ công tác giám sát, xử lý và chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng.

Để công tác phòng chống bệnh tay chân miệng có hiệu quả, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 700 kg hóa chất Cloramin B; 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh tay chân miệng cho các bệnh viện, trường học, nhóm trẻ gia đình và cộng đồng dân cư và một số máy móc, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị.

Tin, ảnh: Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, tay chân miệng
Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sởi, tay chân miệng

Mặc dù số người mắc dịch sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi trên địa bàn Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN