Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố phát hiện 82 ổ dịch tay chân miệng với 503 ca mắc. Trong đó chấm dứt được 53 ổ với 224 ca và còn 29 ổ đang theo dõi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng vừa ghi nhận 1 ổ sởi. Nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng do một số trường học chưa trang bị đủ bồn rửa tay cho trẻ, trẻ còn dùng chung ca uống nước và chưa tiêm phòng đầy đủ....
Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca bệnh truyền nhiễm trong nhà trường nhiều hơn số liệu ngành y tế đưa ra, cụ thể ngày 22-10 nhận được 141 ca mắc tay chân miệng. Hầu hết số ca xảy ra nhiều ở các trường tiểu học, do bậc học này chỉ lo giảng dạy, hết sức lơ là trong công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng chống dịch bênh. Bên cạnh đó, quy định của Bộ y tế xảy ra 2 ca mới được coi là ổ dịch. Do đó, có những trường học xảy ra 1 ca nhưng nhân viên y tế không báo cáo khiến ngành giáo dục gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, còn trường học thì không xử lý kịp.
“Tình hình dịch bệnh ngày càng phát sinh mạnh, chúng tôi hết sức lúng túng trong kiểm tra, phòng chống. Ngành y tế cần có những văn bản chỉ đạo thống nhất về việc báo cáo ổ bệnh, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn để ngành giáo dục thuận tiện trong giám sát, kiểm tra, chỉ đạo các trường thực hiện”, ông Thụy kiến nghị.
Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào ngày 23/10, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngành giáo dục cần chỉ đạo nhà trường trang bị đầy đủ bồn rửa tay. Theo đó, không chỉ yêu cầu trẻ rửa tay mà phải yêu cầu cả người lớn, đặc biệt người trực tiếp chăm sóc, phục vụ trẻ ăn uống rửa tay đầy đủ, đúng cách.