Ung thư cổ tử cung: Căn bệnh diễn biến âm thầm
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản phụ khoa bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 530.232 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung được phát hiện (chiếm 8,8% các trường hợp ung thư ở phụ nữ) và khoảng 275.008 phụ nữ (chiếm 51,9%) chết vì ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 5.000 trường hợp mắc mới và trên 2.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường gặp ở phụ nữ ở 35 – 40 tuổi trở đi.
Nguyên nhân gây dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi rút HPV. Những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài, sinh đẻ nhiều, hút thuốc, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Lê Thị Kim Ngân cho biết, ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.
Theo các bác sĩ, với những tiến bộ của y khoa hiện đại, căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap) ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể. Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi cần thử Pap mỗi 3 năm một lần. Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi phải có cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cứ 5 năm một lần, hoặc chỉ thử nghiệm Pap cứ 3 năm một lần. Phụ nữ trên 65 tuổi tầm soát thường xuyên với kết quả bình thường không cần tiếp tục kiểm tra. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Ung thư vú: Căn bệnh phổ biến của nữ giới
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%). Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân.
Bác sĩ Lê Thị Thu Sương, chuyên khoa II - Ung bướu bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết phụ nữ tuổi từ 40-60 trước và sau mãn kinh là những nhóm người dễ mắc nhất. Ung thư vú là một trong những ung thư có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm. Thật không may, đa số bệnh nhân đều đến ở giai đoạn muộn và với tỷ lệ ung thư vú ở người trẻ tuổi càng tăng. Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ 40 tuổi trở lên) rất quan trọng.
Bác sĩ Sương khuyến cáo: Khi sờ thấy khối u trong vú ngay cả không đau, hoặc đôi khi có xuất hiện hạch nách cùng bên do liên quan dẫn lưu bạch huyết của vú; đầu vú xuất hiện sự co rút do sự xâm lấn của khối u đến các mô lân cận; tiết dịch núm vú (dịch trong, dịch đục hoặc dịch máu) có thể có trong những bệnh lý lành nhưng muốn chắc chắn phải loại trừ trường hợp bất thường; vú bị sưng đỏ, phù nề giống da cam do viêm vú hoặc thâm nhiễm rộng của u tới da vú; vú bị thay đổi kích thước bất thường thì nên đến các cơ sở y tế khám và tầm soát bệnh.
Nhằm hỗ trợ cho phụ nữ trong việc tầm soát phát hiện sớm, hướng dẫn phòng chống, tư vấn, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có chương trình “Phụ nữ là để yêu thương” tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung với mức giá tầm soát ưu đãi lên đến 100% dành cho tất cả các chị em phụ nữ. Chương trình này được bắt đầu từ ngày 20/10 đến hết ngày 20/11/2018.