PGS TS BS Lâm Hoài Phương, phụ trách - Cố vấn chuyên môn khoa Tạo hình Hàm mặt - Răng Hàm mặt bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết bé Dũng bị biến dạng sọ mặt bẩm sinh, gây thiểu năng xương hàm trên so với hàm dưới, còn gọi là thiểu sản tầng mặt giữa, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng nhai, nói, nuốt, đặc biệt là khối mặt của bé. Sau khi tiến hành kiểm tra, nhận định tình trạng bệnh của Dũng là một trường hợp khó và phức tạp, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa điều trị.
Tuy nhiên, qua thời gian phối hợp với bác sĩ chỉnh nha để nong hàm cho bé, nhưng toàn bộ khối mặt tầng giữa vẫn bị tụt vào trong làm cho khớp cắn bị đẩy lệch ra sau so với khối mặt trên.
Mẹ của Dũng chia sẻ, không may mắn như các chị em của mình, Dũng sinh non vào tuần thứ 28, chỉ nặng 1,2kg. Vì vậy, các bộ phận trên cơ thể Dũng chưa được hoàn chỉnh. Khiếm khuyết lớn nhất là dị tật xương hàm bẩm sinh. Từ khi chào đời đến nay, Dũng đã trải qua hơn 10 cuộc phẫu thuật sửa vòm, sửa môi, sửa mũi. Để tìm lại nụ cười cho Dũng, mẹ của em đã đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc, chỉ cần có thông tin nơi nào có thể giúp được cho Dũng, chị đều không ngần ngại khoảng cách mà tìm đến.
“Sau một thời gian trăn trở, tôi lại tìm kiếm, liên lạc với các chuyên gia trên thế giới và biết đến kỹ thuật giãn xương bằng khí cụ. Đây là dụng cụ giúp làm giãn xương hàm mà không cần đến phẫu thuật ghép xương, không gây đau đớn, lại sớm mang đến kết quả như mong đợi. Việc đeo khí cụ kéo giãn xương hàm giúp bé Dũng sớm phục hồi lại xương hàm, mang lại nụ cười cũng như các chức năng khác sớm trở lại bình thường. Dù biết rằng đây là một kỹ thuật khó nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ qua một cơ hội dù là nhỏ nhất để hoàn thiện nụ cười cho các bệnh nhi, và bé Dũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được điều trị bằng phương pháp này”, bác sĩ Phương cho biết.
Cũng theo bác sĩ Phương, trường hợp của em Dũng cần giãn thêm 20cm xương hàm trên. Với khí cụ này, mỗi ngày xương hàm của bé Dũng sẽ giãn ra được 1mm bằng cách kéo giãn vít khí cụ 2 lần vào thời gian cố định mỗi buổi sáng và chiều. Em đã đeo khí cụ kéo giãn xương được hơn 1 tháng. Đến hiện tại, kết quả cho thấy sự tiến triển rất khả quan. Khuôn mặt của Dũng đã có phần cân đối hơn, không còn lép như trước nữa. Sau khi tháo khí cụ, xương hàm sẽ liền lại theo phát triển tự nhiên của bé mà không cần phải can thiệp gì thêm nữa.
Có thể nói, kỹ thuật giãn xương hàm bằng khí cụ này mang đến sự phục hồi “diệu kỳ” về mặt thẩm mỹ lẫn các chức năng, đem đến nhiều cơ hội điều chỉnh khung xương cho trẻ em từ 9 đến 14 tuổi. Theo PGS TS BS. Lâm Hoài Phương, đây là kỹ thuật được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên không phải có khí cụ là có thể thực hiện ngay kỹ thuật này.
Bởi để thực hiện được phẫu thuật này, bệnh viện cần phải có đầy đủ các trang thiết bị y tế tiên tiến để đảm bảo quá trình điều trị, theo dõi bệnh được diễn ra xuyên suốt, đúng quy chuẩn, đúng tiến độ và cho ra những thông số chính xác, mang đến hiệu quả tối ưu nhất cho người bệnh. Đặc biệt, kỹ thuật giãn xương hàm bằng khí cụ phải được thực hiện bởi những chuyên gia có đủ trình độ tay nghề và kinh nghiệm cao về phẫu thuật sọ mặt - tạo hình sọ mặt.