Chống lây nhiễm chéo để điều trị hiệu quả bệnh sởi, tay chân miệng

Tính từ đầu năm đến ngày 8/10/2018, cả nước có 1.093 ca dương tính/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, 61.821 ca mắc tay chân miệng, 67.414 ca mắc sốt xuất huyết và 18 ca tử vong do 3 bệnh dịch này.

Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh,  phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, về những giải pháp nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong cho người bệnh.

Chú thích ảnh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

Thưa ông, trước số lượng bệnh nhân mắc các bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao và người dân đa số vượt tuyến không cần thiết, Cục quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế có những giải pháp và khuyến cáo gì đối với người dân?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời đúng hướng dẫn, chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo để giảm tử vong trong công tác điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Trong đó có 3 nội dung mà chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đó là: Thứ nhất là phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; giảm thiểu tử vong. Thứ 2 là rút kinh nghiệm trong công tác điều trị sau bài học dịch sởi năm 2014 và dịch Sốt xuất huyết năm 2017. Thứ 3 là Phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không để người mắc bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết điều trị cùng những bệnh nhân khác.

Xin ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp mà Cục đã chỉ đạo đối với các cơ sở khám chữa bệnh?

 Bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết đều là các bệnh truyền nhiễm với cơ chế lây nhiễm khác nhau. Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện phải bằng mọi biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi...) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây: Bệnh sởi lây theo đường hô hấp; bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh; bệnh sốt xuất huyết lây do muỗi Aedes aegypti truyền bệnh.

Đối với người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi. Đối với bệnh tay chân miệng phải rửa tay bằng xà phòng (xà bông) mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ... Đối với bệnh sốt xuất huyết thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt ban ngày đặc biệt là sáng sớm hoặc buổi chiều tối).

Tại khoa Khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi (đối với bệnh tay chân miệng có thể khám chung với các bệnh khác nếu nhân viên y tế làm tốt việc khử khuẩn, vệ sinh tay). Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong bệnh viện. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.

Đối với các ca bệnh sởi nặng, ca bệnh tay chân miệng nặng nếu phải điều trị tại khoa/đơn vị Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép. Tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế ban hành cho các nhân viên y tế tham gia khám, điều trị các bệnh trên đặc biệt đối với các nhân viên y tế được tăng cường.

Nếu như hạn chế các bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên thì các bệnh viện đầu ngành sẽ hỗ trợ tuyến dưới như thế nào, thưa ông?

 Về nội dung này, chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tuyến trên: Chú trọng công tác chỉ đạo tuyến theo phân công của Bộ Y tế, Sở Y tế. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng (nếu có thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân liên quan để biết). Phải đảm bảo công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc thì báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

 

Bài, ảnh: Lê Hoàng
Tiền Giang: Bệnh nhi đầu tiên tử vong do bệnh chân tay miệng
Tiền Giang: Bệnh nhi đầu tiên tử vong do bệnh chân tay miệng

Do bệnh tiến triển quá nhanh, ngày 26/10, một bệnh nhi đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN