Bệnh sởi gia tăng ở các tỉnh phía Nam, nhiều trẻ phải nhập viện

Các bệnh viện nhi trên TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi từ các tỉnh thành khác chuyển đến.

Người lớn cũng là nguồn lây sởi cho trẻ

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hiện bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Tại Việt Nam, bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc, trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi nên việc lây lan bệnh giữa các vùng miền là rất dễ dàng đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với vi rút sởi. Trong 8 tháng qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 5 ca bệnh sởi, ca gần nhất vào tháng cuối tháng 8/2018. Các ca bệnh ở rải rác 5 quận huyện, hoàn toàn không có mối liên hệ dịch tễ với nhau. 

Chú thích ảnh
Ngành y tế khuyến cáo trẻ 9 tháng tuổi phải chích ngừa sởi, không đợi đến 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), trong tháng 8, bệnh viện đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhi đến từ nhiều tỉnh, thành phía Nam. Trong đó, 15 trường hợp kết quả dương tính với sởi chỉ có 1 trường hợp sống ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài 8 trường hợp trẻ bị bệnh dưới 9 tháng tuổi (chưa đến thời điểm tiêm vắc xin sởi) thì những trẻ còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ vắc xin sởi.

Tại khoa Nhiễm và Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng ghi nhận 3 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi phải nhập viện điều trị. Trong đó, có một bé mắc sởi nặng phải hỗ trợ thở máy và theo dõi liên tục, hai bé còn lại bị sưng phổi và viêm phổi nặng. Trong 3 bệnh nhi này, có hai bệnh nhi bị lây nhiễm từ bố mẹ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm và Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Người lớn lúc nhỏ có chích mũi ngừa bệnh nhưng vẫn là nguồn lây cho trẻ. Bên cạnh đó, người lớn đi làm tiếp xúc với người bệnh về nhà không rửa tay, không thay quần áo mà chăm sóc con luôn nên mới lây cho các bé nhỏ. Bé nhỏ hơn 9 tháng mà có mẹ chưa chích ngừa sởi, chưa chích đủ 2 mũi sởi thì sẽ không có nhiều kháng thể chống sởi từ mẹ truyền sang khi mang thai nên sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với vi rút".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Trẻ 9 tháng tuổi phải chích ngừa sởi đơn, nếu tham gia chích dịch vụ từ nhỏ thì phải tìm nơi có dịch vụ sởi đơn chứ không chờ đến 12 tháng mới chích. Nên cách ly bệnh nhi đang mắc bệnh, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo. Kiểm tra, tầm soát trẻ khi có biểu hiện nghi ngờ. Xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để bùng phát và lan rộng.

Phân luồng bệnh nhân, không để lây nhiễm chéo

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong bệnh viện và trong cộng đồng.

Theo đó, các bệnh viện triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh; bố trí khu vực cách ly để điều trị với người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị tại khoa đó, không bố trí nằm chung buồng bệnh với các trường hợp mắc bệnh khác.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời; đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vắc xin cúm, sởi đang nằm điều trị. Tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong đơn vị về hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh; yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát sự tuân thủ, đồng thời hướng dẫn cho người bệnh, thân nhân người bệnh cùng thực hiện.

Đối với các Trung tâm Y tế dự phòng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng; chủ động các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Tăng cường thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ, hàng tháng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ trên toàn tỉnh, tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi theo quy định trên quy mô xã, phường. Đặc biệt chú trọng tại khu vực có mật độ tập trung dân cao và di biến động dân cư lớn. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát và lan rộng.

Đan Phương/Báo Tin tức
Siêu vi trùng kháng thuốc lan rộng trong các bệnh viện trên toàn thế giới
Siêu vi trùng kháng thuốc lan rộng trong các bệnh viện trên toàn thế giới

Các nhà khoa học tại Australia ngày 3/9 cảnh báo một loại siêu vi trùng kháng mọi loại thuốc kháng sinh, có thể gây ra nhiễm khuẩn "nghiêm trọng" hoặc thậm chí gây tử vong, đang lan rộng và khó phát hiện tại các bệnh viện trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN