Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn lời của Bộ trưởng Motsoaledi tại cuộc họp báo cho biết thống kê cho thấy không có thêm trường hợp nào bị nhiễm loại vi khuẩn chết người này trong ba tháng qua. Dù tuyên bố trên đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm thịt chế biến sẵn, tuy nhiên, ông Mosoaledi vẫn cảnh báo người dân cần lưu ý tới vấn đề an toàn thực phẩm vì những ổ dịch có thể đã hết, nhưng chưa thể đảm bảo vi khuẩn Listeria đã biến mất hoàn toàn.
Tại họp báo, Bộ trưởng Motsoaledi thừa nhận rằng dù các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ và cùng nhiều nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác địa điểm bùng phát dịch. Tuy nhiên, theo thống kê, 62% số trường hợp nhiễm dịch là ở tỉnh Gauteng, nơi có hai thành phố lớn là thủ đô Pretoria và Johannesburg. Trên phạm vi cả nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện vi khuẩn Listeria tại 157 nhà máy chế biến thịt và khoảng 12.000 tấn thịt đã bị thu hồi và tiêu hủy.
Dịch khuẩn Listeria đã xuất hiện từ ngày 4/3, khi các chuyên gia y tế phát hiện vi khuẩn Listeria trên một số thực phẩm thịt chế biến sẵn. Trước đó một tuần, một số học sinh tiểu học tại thành phố Johannesburg có biểu hiện đau dạ dày cấp và sau khi kiểm tra, các nhân viên y tế đã tìm thấy vi khuẩn Listeria trong dạ dày những học sinh này. Ngay sau đó, một loạt quốc gia khu vực miền Nam châu Phi đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm chế biến của Nam Phi.
Vi khuẩn Listeria thường gặp ở các sản phẩm sữa chua được khử trùng, pho mát mềm, thịt nguội, rau quả và hải sản xông khói và đóng hộp. Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn này gây ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Vi khuẩn thường tấn công những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch nhiễm khuẩn Listeria lớn nhất trong lịch sử đã bùng phát ở Nam Phi vào tháng 1/2017 với 948 ca nhiễm, cướp đi sinh mạng của 180 người.