Cụ thể, trong tuần 42 (từ ngày 10 - 16/10), Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Như vậy, tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Tích lũy đến ngày 16/10, Thành phố có 66.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 1.477 ca sốt xuất huyết nặng, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần 42, toàn Thành phố ghi nhận 113 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 76 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 5 ổ dịch mới so với tuần 41.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, năm nay, khoảng 75% trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Ngành Y tế khuyến cáo, người dân khi có dấu hiệu sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để nhanh chóng đến bệnh viện, như đau bụng dữ dội, nôn, nôn ra máu, chảy máu chân răng, thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn… Riêng với bệnh sốt xuất huyết khi hạ sốt càng cần theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) bằng biện pháp ngủ màn (mùng), mặc quần áo dài, phun xịt hóa chất, vợt điện, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi, lăng quăng, lật úp vật chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, đậy kín nắp các loại lu, bình đựng nước… Những người có cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh lý về gan, thận, cần cẩn thận phòng tránh bởi có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc sốt xuất huyết.